Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Thời Gian - Chìa khóa Thành Công

Điều đầu tiên, chúng ta phải hiểu được "Giá Trị Thời Gian" trước:

- Để hiểu được giá trị của một năm, hãy nói chuyện với một sinh viên vừa thi hỏng một kỳ thi quan trọng.
- Muốn hiểu hết  về giá trị của một tháng, hãy tiếp xúc với người mẹ đã phải sinh con thiếu tháng.
- Để hiểu được giá trị của một tuần, hãy đến gặp tổng biên tập của tờ báo tuần.
- Muốn hiểu được giá trị của một giờ, hãy hỏi kinh nghiệm của hai người đang yêu nhau tha thiết và lúc nào cũng mong muốn được gặp nhau.
- Để đánh giá đúng giá trị của một phút, hãy đặt mình vào tình cảnh của một người vừa lỡ chuyến bay hoặc chuyến tàu.
- Để hiểu được giá trị của một giây, hãy chia sẻ với một người vừa mất người thân trong một tai nạn.
- Và để đánh giá đúng giá trị của một phần ngàn giây, hãy đến gặp người vừa mất huy chương vàng tại kỳ thi đấu thể thao Olympic.

Và rồi chúng ta hãy hành động: 

Làm chủ thời gian trong công việc không phải là điều dễ dàng, ai cũng có thể làm được. Sau đây là một vài bí quyết giúp bạn sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả nhất.

Ngăn nắp:

Bạn hãy sắp xếp lại đồ đạc trong nhà một cách thuận tiện nhất và luôn để chúng ở một vị trí cố định. Sau khi sử dụng hãy để chúng lại vị trí quy định. Và nơi làm việc cũng vậy, bạn hãy dọn dẹp bàn làm việc của mình, để đồ đạc, tài liệu một cách khoa học nhất. Mỗi cặp tài liệu ghi tên và để vào một ô. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian. Thay vì bạn phải lục tung lên đi tìm một tờ giấy tờ nào đó, bạn chỉ cần đọc danh sách tài liệu là biết ngay chúng đang ở đâu.

Thời khóa biểu:

Một cuốn sổ ghi lịch làm việc trong tuần, trong tháng, hay trong năm. Một quyển lịch bàn cũng khá cần thiết. Bên cạnh đó với chiếc máy tính hay chiếc điện thoại bạn cũng có thể biến nó thành người nhắc việc độc đáo. Đánh dấu những công việc ưu tiên. Những ngày quan trọng, những công việc quan trọng bạn nên bôi đỏ, để lúc nào bạn cũng để ý tới. Có thể ghi chú thêm thông tin trên những sticker nhỏ dán trước mặt nhưng nhớ là các mẩu giấy này ngoài việc khiến cho bàn làm việc trông không đẹp mắt còn có thể bị bay đi mất.

Có một người nhắc việc tốt bụng:

Bên cạnh quyển lịch, một người bạn, hay thành viên trong gia đình cũng có thể là người nhắc việc cho bạn. Mỗi khi có công việc quan trọng bạn nên nhờ ai đó nhắc bạn, điều này sẽ khiến bạn không bao giờ quên.

Lên kế hoạch trước:

Bạn hãy bắt đầu một tuần làm việc, một tháng làm việc mới bằng cách lên kế hoạch công việc. Và một ngày cũng thế. Hãy bắt đầu nghĩ đến việc mình làm từ tối hôm trước, sắp xếp việc thật cụ thể. Hãy tách riêng các công việc và xác định rõ việc nào nên làm ngay hôm sau, việc nào nên làm trước trong tuần này, việc nào có thể để lại. Tuy nhiên, các công việc có thể thay đổi hàng ngày do phát sinh thêm việc mới.
Kỹ năng làm chủ thời gian
Ưu tiên trong công việc :

Bạn cần xác định công việc nào quan trọng với bạn hơn khi phải lựa chọn. Khi bạn sử dụng quỹ thời gian của công việc này bù vào công việc kia., bạn phải biết tìm cách để công việc đó không bị bỏ ngỏ. Hãy học cách nói “không” với những việc không phải là ưu tiên, hoặc bạn không thể làm do phát sinh.

Khi nào mình làm việc hiệu quả nhất.

Nếu thấy mình làm việc vào buổi sáng là hiệu quả nhất, vậy hãy đưa những công việc quan trọng vào buổi sáng? Những khoảng thời gian còn lại thì dành để làm những công việc mang tính chất thường nhật, kém hấp dẫn hơn

Không coi thường việc nhỏ:

Đừng bỏ qua những công việc nhỏ. Nó tuy chiếm một khoảng thời gian nhất định của bạn. Nhưng nó có thể ảnh hưởng đến việc lớn của bạn. Thay vì mất thời gian, bạn có thể gộp chúng lại. Trong lúc đi in tài liệu, bạn có thể tranh thủ gọi điện cho đối tác chẳng hạn.

Tính kỷ luật:


Bạn cần xác định công việc đó ảnh hưởng đến bạn thế nào. Khi bạn không làm đuợc điều đó thì sẽ có một kết quả không tốt. Hôm nay không làm được việc đó, bạn sẽ phải làm vào hôm sau, và nó sẽ chiếm mất thời gian biểu hôm sau. Điều này bạn cần phải nghiêm khắc với chính bản thân bạn.

Đánh giá kết quả làm việc:


Sau một ngày, một tuần hay một tháng bạn cần phải xem lại mình đã làm được những gì, những gì cảm thấy thành công, những gì chưa đạt được. Việc này sẽ giúp bạn biết mình sẽ phải làm gì trong ngày, tuần tháng tiếp theo.

Tự thưởng cho mình khi đạt kết quả tốt:


Một tuần làm việc hiệu quả thì cũng nên tự thưởng cho mình những phút giây thoải mái, hay một món quà mình thích. Hãy động viên mình để làm tốt hơn.

Thời gian là vô tận nhưng nó không bao giờ quay trở lại. Mỗi ngày những con số càng lớn lên. Một người thành đạt là người biết sử dụng thời gian của mình hợp lý. Mỗi ngày bạn chỉ có 24 tiếng mà thôi, bạn không thể sử dụng quá hay ít đi khoảng thời gian đó. Điều quan trọng là bạn biết dùng thời gian đó như thế nào. Chúc bạn thành công

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

5 Dấu Hiệu Bạn Chọn Sai Nghề - Đọc Và Suy Ngẫm

Bạn biết rằng không có gì trong cuộc sống là hoàn hảo, vì vậy làm tốt công việc của mình để xoa dịu nỗi ngờ vực trong lòng rằng mình đã lựa chọn sai nghề.

Theo số liệu khảo sát riêng của L&A (Le & Associates), hiện có khoảng 20% sinh viên chọn sai ngành học, tốt nghiệp đi làm mới thấy công việc không phù hợp nên bỏ việc hoặc làm trái nghề.

Một số liệu điều tra khác của Sở Lao Động Thương Binh Xã Hội TP.HCM cho biết chỉ khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có ý định làm việc lâu dài, trong khi 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng, nguyện vọng và 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp.

Đáng chú ý hơn là có đến 40% lao động trẻ chọn nghề chưa phù hợp với nghề mình đang học. Chọn sai nghề giống như đeo gông vào cô, bạn không những không phát huy được năng lực, không thể đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp mà còn đánh mất thời gian quý báu của mình.

Dưới đây là 5 dấu hiệu giúp bạn nhận định lại xem có thực là mình đã lựa chọn sai nghề, để từ đó bạn sớm có hướng đi cho riêng mình.

Bạn “cô đơn” tại nơi làm việc

Bạn không có bạn bè tại nơi làm việc. Điều này không có nghĩa là bạn bị cô lập tại nơi làm việc của mình. Bạn vẫn hợp tác với đồng nghiệp để làm tốt công việc được giao nhưng chỉ dựa trên những trao đổi “thô sơ” nhất mà không có sự chia sẻ, giúp đỡ nhau thực sự. Bạn tự xoay sở với công việc của mình và giữ một sự liên kết khá rời rạc với đồng nghiệp. Do đó, hiệu suất công việc không được cao.

Bạn thấy xấu hổ khi nhắc đến công việc của mình

Nếu dấu hiệu này có thì bạn chắc chắn đã lựa chọn sai nghề nghiệp cho mình. Bạn thường lảng tránh câu hỏi của mọi người về công việc của mình. Sự xấu hổ sẽ cản trở khả năng thành công của bạn, hiệu quả công việc thấp. Bạn núp sau những từ hoa mĩ như “tôi là người quản lí” trong khi trên thực tế bạn chỉ là nhân viên tạp vụ trong rạp chiếu phim. Nếu không tự hào về công việc của mình, bạn sẽ không bao giờ thấy được sự hài lòng từ nó.

Khối lượng công việc “đè bẹp” bạn

Đó là việc bình thường khi kết thúc quý hoặc một thời hạn công việc nào đó. Nhưng đó không phải là dấu hiệu tốt nếu nó cứ lặp đi lặp lại khiến bạn thấy choáng ngợp, và luôn trong tình trạng lo âu. Bạn đang có sự lựa chọn sai lầm trong công việc nếu bạn làm nhiều hơn thời gian cho phép. Bạn dễ bị kích động, cảm xúc thay đổi, dễ bị stress.

Bạn đang trì trệ tại nơi làm việc

Điều này không hoàn toàn giống như bạn “thừa năng lực”. Bạn vẫn có thể làm tốt công việc ngay cả khi nó không liên quan đến trình độ chuyên môn của mình, nhưng bạn không cố gắng để hoàn thành nó. Lâu dần nó sẽ khiến bạn tụt lại phía sau. Bạn không muốn bỏ công sức và cống hiến, không muốn phấn đấu. Bạn đã chọn sai nghề khi không có cơ hội làm những điều mình thích, mình say mê.

Không có sự thăng tiến và cơ hội phát triển trong nghề nghiệp của bạn

Công việc của bạn không có gì mới mẻ và hấp dẫn để bạn đầu tư thời gian, công sức để trau dồi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm. Bạn không tận dụng được lợi thế của mình trong công việc. Bạn không có cơ hội phát triển bản thân. Cơ hội không được che giấu dưới những tảng đá, bạn phải nắm bắt được nó.

Hầu hết các công ty đều có ngân sách để gửi nhân viên của họ đi học để nâng cao năng lực chuyên môn. Nếu bạn mới vào nghề, bạn nên học hỏi ở những người đã gắn bó với nơi bạn đang làm việc. Điều quan trọng là phải giữ một tâm thế cởi mở và cố gắng phát huy năng lực của mình.

Nếu bạn thấy những dấu hiệu này đúng trong trường hợp của mình, bạn nên nhìn nhận lại công việc của mình xem nó có phù hợp với mình nữa không để có những quyết định đúng đắn. Chúng ta không nên quá cứng nhắc vì mỗi người luôn có khả năng thích nghi nhất định.

Nếu bạn cảm thấy việc lựa chọn nghề nghiệp của mình không quá sai thì trong quá trình làm việc bạn nên tích lũy kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức và các kĩ năng mềm để hoàn thành tốt hơn nữa công việc được giao. Còn nếu sự lựa chọn đó là sai lầm, thì bạn nên dứt khoát, chủ động trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Tuổi trẻ là tuổi của hoài bão, ước mơ. Nếu được làm việc với đúng sở thích và đam mê của mình, bạn sẽ phát huy được năng lực của mình, hết lòng dốc sức cho đam mê của mình.

Tuần mới nhiều năng lượng. Chúc các bạn thành công!