Khi có cơ hội thăng chức, bạn cần chuẩn bị những gì để có thể hoàn thành tốt vai trò lần đầu làm quản lý?
Có thể bạn đã đạt được nhiều thành tích trong công việc, bạn cũng được đánh giá là người thích hợp cho chức vụ mới này, nhưng đừng cho rằng tất cả những điều đó có thể khiến bạn trở thành một người quản lý hiệu quả, đặc biệt là khi bạn phải quản lý một nhóm đông nhân viên. Dưới đây là những bí quyết giúp bạn thành công khi lần đầu nắm vai trò quản lý:
1. Hãy chấp nhận rằng còn rất nhiều thứ bạn phải học hỏi. Có thể bạn đã làm việc rất chăm chỉ để được thăng chức, có thể bạn đã là chuyên gia trong lĩnh vực bạn đang lựa chọn, nhưng bạn vẫn có thể sẽ cảm thấy thiếu tự tin khi phải dẫn dắt một đội ngũ. Hãy luôn chuẩn bị tinh thần để học hỏi nhiều hơn nữa từ những người xung quanh, ngay cả từ những nhân viên bạn sắp quản lý.
2. Giao tiếp rõ ràng. Hãy luôn chắc rằng nhân viên của bạn nắm rõ thông tin về mục tiêu, thứ tự ưu tiên và quan trọng là hạn chót công việc. Việc giao tiếp hiệu quả với nhân viên sẽ giúp bạn xây dựng được sự uy tín của bản thân cũng như có được sự ủng hộ, hợp tác từ họ.
3. Làm gương. Hãy đòi hỏi cao ở bản thân bạn mức độ chuyên nghiệp và sự cống hiến như bạn đòi hỏi ở người khác. Cũng như nếu bạn kì vọng nhân viên của mình tinh thần lạc quan và sự thân thiện, thì hãy chắc rằng bạn cũng đang thực hiện những điều đó một cách tốt nhất. Hoặc nếu bạn muốn nhận được những bản báo cáo không sai sót từ nhân viên thì hãy luôn tự mình kiểm tra kỹ công việc của bản thân.
4. Khuyến khích mọi người đưa ra phản hồi. Đôi khi các nhân viên sẽ không sẵn sàng lên tiếng về một vấn đề hay rắc rối nào đó trong công việc trừ khi họ được yêu cầu. Duy trì chính sách cởi mở khi cùng nhân viên thảo luận đưa ra giải pháp cho các vẩn đề trong công việc sẽ khiến họ cảm thấy bạn luôn sẵn sàng lắng nghe những băn khoăn, ý kiến của họ cũng như sẵn sàng hỗ trợ họ khi cần thiết.
5. Công nhận nỗ lực của nhân viên. Bằng cách công nhận các nỗ lực và thành quả lao động của nhân viên, bạn không những khiến họ cảm thấy tự tin hơn trong công việc mà còn cảm thấy có thêm động lực để cống hiến nhiều hơn. Việc công nhận nỗ lực của nhân viên không phải lúc nào cũng cần quá trang trọng, đôi khi bạn chỉ cần dành cho họ những lời cảm ơn, lời khen hay sự khích lệ trước mặt các nhân viên khác. Trong đoạn clip ngắn dưới đây, Ken Blanchard sẽ gợi ý cho bạn làm thế nào để đưa ra lời khen ngợi, phê bình hay để đảm bảo nhân viên của bạn nắm được thông tin bạn truyền tải cho họ.
6. Quyết đoán. Một người quản lý giỏi là người biết cách đưa ra quyết định, đi theo quyết định đó và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đa phần chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái khi phải làm việc với những người thay đổi ý định như chong chóng.
7. Giúp nhân viên định hướng và nhìn được bức tranh toàn cảnh của công việc. Hãy dành thời gian giải thích với các nhân viên công việc, nhiệm vụ của họ đóng vai trò như thế nào đối với mục tiêu và định hướng của công ty. Điều này sẽ giúp nhân viên của bạn hình dung được việc họ hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng như thế nào đối với danh tiếng và sự thành công của doanh nghiệp.
8. Khuyến khích mọi người, ngay cả bạn thân bạn không ngừng học hỏi và phát triển bản thân. Hãy khuyến khích các nhân viên của bạn tìm tòi khám phá những phương pháp mới giúp họ đạt được mục tiêu của bản thân họ cũng như mục tiêu của toàn doanh nghiệp. Hãy cho phép họ được mắc sai lầm và học hỏi, rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó, và cũng đừng quên khen thưởng những ý tưởng mới, sáng tạo.
9. Cung cấp hướng dẫn rõ ràng, chuyên nghiệp. Một người quản lý giỏi cũng như là một người thầy, một người cố vấn đối với người nhân viên. Hãy luôn dành thời gian, và thể hiện sự quan tâm của bạn đối với con đường triển nghề nghiệp của người nhân viên với doanh nghiệp. Đừng bao giờ bỏ qua điều này, nhân viên của bạn chắc chắn sẽ rất cảm kích việc bạn giúp họ phát triển bản thân.
10. Kiên nhẫn với bản thân. Việc phát triển kỹ năng quản lý mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là khi đây là lần đầu bạn nắm vai trò quản lý. Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ, hướng dẫn từ các đồng nghiệp, cấp trên hoặc những người bạn quen biết xung quanh khi bạn cần.
Mặc dù bài viết này chủ yếu hướng đến những người lần đầu nắm vai trò quản lý, nhưng nó vẫn sẽ có ích cho những người đã có kinh nghiệm quản lý lâu năm trong việc giúp họ luôn đi đúng hướng và không quên những điều cơ bản khi làm quản lý. Khi một người nắm một vai trò trong một thời gian đủ dài, họ rất dễ đi theo lối mòn trong cách làm việc của bản thân họ. Những bài viết như thế này đôi khi sẽ khiến họ nhìn nhận lại công việc hàng ngày của mình, để từ đó giúp bản thân họ làm việc hiệu quả hơn cũng như dẫn dắt toàn đội ngũ phát triển.
Nguồn: Dario Priolo