Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

6 Sai Lầm NTD Hay Mắc Phải Khi Phỏng Vấn

Lực chọn và tuyển dụng được một người nhân viên xuất sắc là một công việc khó khăn. Nhưng một khi làm được, đó sẽ là một trong những nước cờ quan trọng nhất cho doanh nghiệp của bạn. Một nền kinh tế như hiện nay không có chỗ cho những quyết định tuyển dụng sai lầm. Trong đó quá trình phỏng vấn đóng một vai trò then chốt trong việc tuyển chọn được ứng viên tốt nhất cho công việc.    

Phỏng vấn là một nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng là nghệ sĩ. Tất cả chúng ta đều đã từng là những ứng viên rất mong mỏi công việc. Giống như họ, chúng ta cũng phải nghiên cứu kỹ về công ty đăng tuyển, chuẩn bị hồ sơ xin việc, tập luyện những đoạn nói quan trọng khi được phỏng vấn và ăn mặc như những doanh nhân. Nhưng dù bạn có tin hay không, việc thực hiện một cuộc phỏng vấn thậm chí còn cần nhiều kỹ năng và sự chuẩn bị hơn. Và những kỹ năng phỏng vấn hiệu quả chỉ có thể có được với sự luyện tập, kinh nghiệm và phương pháp hợp lý.  

Sau đây là sáu sai lầm thường gặp cần tránh khi tiến hành một cuộc phòng vấn:

1. Dựa trên ấn tượng đầu tiên.


Những người phỏng vấn có xu hướng đưa ra những quyết định nhanh chóng về phẩm chất và năng lực của một ứng viên chỉ sau vài phút đầu tiên của cuộc phỏng vấn dựa trên những thông tin ít ỏi. Tuy nhiên, điều bạn thấy đầu tiên không phải lúc nào cũng là thứ bạn nhận được! Vì vậy, những người phỏng vấn cần phải để dành sự phán xét của mình cho đến khi tất cả thông tin về ứng viên được thu thập.

2. Quá đề cao những yếu tố tiêu cực.


Những người phỏng vấn thường có xu hướng ghi nhớ và bị ảnh hưởng bởi những thông tin bất lợi hơn là những thông tin thuận lợi của ứng viên, nhưng một người phỏng vấn giỏi không nên chỉ quá tập trung vào các thông tin tiêu cực đó. Họ cần giữ được sự khách quan để nhìn rõ tất cả điểm mạnh và điểm yếu của ứng viên.

3. Không biết rõ về công việc.


Những người phỏng vấn không hiểu rõ một cách toàn diện về công việc thường áp đặt ý kiến cá nhân của họ về một người ứng viên lý tưởng. Nhưng làm sao một người có thể lựa chọn được ứng viên phù hợp nhất với công việc nếu họ không biết rõ những yêu cầu và kĩ năng cần cho vị trí đó? Để có thể thành công trong quá trình tuyển chọn, những người phỏng vấn cần hiểu rõ tất cả các yêu cầu của công việc để từ đó biết được liệu ứng viên đó có phù hợp với vị trí công việc ấy hay không.

4. Áp lực tuyển dụng. 


Khi những người phỏng vấn cần phải đưa ra quyết định nhanh chóng, họ thường có xu hướng quyết định dựa trên một nguồn thông tin hạn chế, hoặc trên một số lượng nhỏ các ứng viên. Những người phỏng vấn nên bám sát quy trình phỏng vấn và tiến độ đã được lập ra để tránh có những quyết định tuyển dụng sai lầm.

5. Hiệu ứng đối chiếu.


Thứ tự phỏng vấn của các ứng viên có thể ảnh hưởng đến những điểm số dành cho họ. Khi cho điểm, những người phỏng vấn không nên so sánh và đối chiếu các ứng viên với những người đã được phỏng vấn từ trước. Một lần nữa, hãy giữ cái nhìn khách quan của mình và đánh giá các ứng viên dựa trên thông tin của họ và khả năng họ có thể làm được công việc hay không.

6. Chỉ dựa trên sự thể hiện của ứng viên khi phỏng vấn.


Những người phỏng vấn nên đánh giá các ứng viên dựa trên những thành quả họ đã làm được và xu hướng hành vi trong hiện tại, bởi vì nó liên quan đến việc họ sẽ thực hiện công việc mới như thế nào - hơn là chỉ dựa trên những gì ứng viên thể hiện trong cuộc phỏng vấn. Những câu hỏi liên quan đến kỹ năng và thái độ trong công việc sẽ cung cấp những thông tin quan trọng cho người phỏng vấn.

Theo Profiles International SEA

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

CÁC NHÓM TÍNH CÁCH THEO THUYẾT MẬT MÃ CỦA JOHN HOLLAND

John L.Holland (1919 – 2008) là tiến sỹ tâm lý học người Mỹ. Holland nổi tiếng nhất và biết đến rộng rãi nhất qua nghiên cứu lý thuyết lựa chọn nghề nghiệp. Lý thuyết đó chia con người ra 6 loại cá tính và thường được viết tắt là RIASEC và được gọi là Mã Holland (Holland codes).
Học thuyết của Holland đã lập luận rằng: “Thiên hướng nghề nghiệp chính là sự biểu hiện cá tính của mỗi con người” và nó được phân loại thành 6 nhóm và được diễn tả ở hai phương diện: tính cách con người và môi truờng làm việc. Phân loại của ông đã được dùng để giải thích cấu trúc của cuộc số nghiên cứu về định hướng nghề khác nhau dựa trên 2 thang đo mà ông đã phát triển.
Thuyết Holland không giả định rằng một người chỉ có một trong 6 loại tính cách trên thế giới. Thay vào đó, ông chỉ ra rằng bất kỳ người nào cũng có thể được mô tả bằng việc dung hòa một trong 6 loại tính cách theo thứ tự giảm dần. Trên cơ sở này Bộ quy tắc Holland đã diễn tả 720 mô hình tính cách khác nhau của con người. Học thuyết  này cũng áp dụng trong việc phân loại nghề, nhưng thường thì chỉ có 2 hoặc 3 quy tắc chi phối được sử dụng để định hướng nghề.
6 loại tính cách và các kiểu môi trường làm việc theo học thuyết của Holland:
NHÓM KỸ THUẬT
Kiểu thực tế cụ thể - thao tác kỹ thuật (ký hiệu KT)
1/ Đặc điểm.
Những người ở nhóm kỹ thuật có sở thích và khả năng khám phá, sử dụng máy móc, làm những công việc sử dụng thao tác tay chân như các ngành nghề thuộc về cơ khí, ô tô, điện, tin học hoặc các ngành nghề đòi hỏi sự khéo léo của tay chân như thể thao, nấu nướng, chăm sóc cây xanh, thủ công mỹ nghệ…
Khả năng của những người thuộc nhóm này cần phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Thực tế - cụ thể
- Thể lực tốt – suy nghĩ thực tế
- Tư duy – trí nhớ tốt
- Say mê, nghiêm túc thực hiện các quy trình kỹ thuật.
- Sáng tạo, khéo tay, tỉ mỉ.
- Năng lực chú ý vững vàng.
- Thị lực tốt.
- Trí tưởng tượng không gian tốt.
- Phản ứng cảm giác / vận động nhanh, chính xác.
- Chịu đựng trạng thái căng thẳng.
- Kiên trì, nhạy cảm.
- Khí chất thần kinh ổn định.
2/ Môi trường làm việc tương ứng.
Các công việc liên quan đến điều khiển máy móc, đồ vật hoặc chăm sóc, bảo vệ vật nuôi, cây trồng; làm việc ngoài trời, đòi hỏi sự khéo léo chân tay khi sử dụng các công cụ, máy móc hoặc trong hoạt động thể thao.
Nghề phù hợp điển hình: chăm sóc cây – con; điều khiển, sử dụng, sửa chữa máy móc; nghề thủ công; huấn luyện viên thể hình, cảnh sát, cứu hỏa…
Chống chỉ định của những công việc trên:
- Dị ứng dầu mỡ, hóa chất.
- Lao, hen, hẹp van tim, viêm thận.
- Loạn thị, loạn sắc, mù màu.
- Run tay và mồ hôi quá nhiều.
- Tâm lý không ổn định.
3/ Các ngành nghề đào tạo.
Vận hành máy, chế tạo máy, cơ khí ứng dụng, tự động, bảo trì và sửa chữa ô tô, thiết bị điện, lắp đặt điện, bảo hành, sửa chữa điện, điện tử, tin học, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, thể thao, nấu ăn, làm vườn và chăm sóc cây xanh, may mặc, thêu nghệ thuật, đan, móc, điêu khắc, nhân viên kỹ thuật phòng lab, tài xế, lái tàu…
Điện, cơ khí, ô tô, công nghệ thông tin, kĩ thuật nấu ăn, kĩ thuật cảnh quan và môi trường, kĩ thuật chăm sóc cây cảnh, may dân dụng, may công nghiệp, kĩ thuật làm vườn, kĩ thuật nuôi trồng thủy sản…
Các công việc hoạt động thuộc nhóm kĩ thuật có từ công nhân bậc 2/7, 3/7, công nhân kĩ thuật trình độ trung cấp nghề, kĩ sư thực hành, chế tạo, sản xuất, kiểm tra, điều khiển hệ thống, gia công, chế biến cơ hóa điện - điện tử, ô tô, đầu bếp…
Hiện nay, tất cả các ngành nghề này đều có đào tạo tại các trung tâm Kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề của địa phương, các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, các trường cao đẳng nghề, đại học vùng và Trung ương.
NHÓM NGHỆ THUẬT
Kiểu người sáng tạo, tự do, văn học, nghệ thuật (ký hiệu NT)
1. Đặc điểm.
Những người ở nhóm nghệ thuật rất thích và có khả năng làm việc thiên về tính chất nghệ thuật như văn chương, vẽ, thiết kế mĩ thuật, đạo diễn, nghệ sĩ…
Đây là dạng nghề đang phát triển mạnh theo nhu cầu xã hội. Cùng trong nhóm này là các nhà văn, các biên kịch, nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ…
Khả năng của người thuộc nhóm này cần phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
Sáng tạo – Tự do:
- Sáng tạo, linh hoạt và thông minh.
- Kiên trì, nhạy cảm.
- Tinh thần phục vụ tự nguyện.
- Có tính tưởng tượng không gian và nhận biết tốt hình dạng vật thể.
- Có khả năng sống thích ứng.
- Diễn tả ngôn từ lịch sự, rõ ràng.
- Hiểu biết về lịch sử, văn hóa, chính trị.
2. Môi trường làm việc tương ứng.
Sáng tác trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, hội họa, thủ công mĩ nghệ; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, dẫn chương trình.
Nghề phù hợp điển hình: viết văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nghệ sĩ biểu diễn (nhạc, kịch, hát múa.), hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà điêu khắc hay nhà thiết kế mẫu, giảng viên văn học…
Chống chỉ định:
- Bệnh lao, truyền nhiễm.
- Dị tật, nói ngọng, điếc.
3. Các ngành nghề đào tạo.
Nhà văn, kiến trúc sư, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên (điện ảnh, kịch, chèo, cải lương, tuồng…) thợ thủ công mĩ nghệ (chạm khắc gỗ, thêu tranh, làm đồ gốm sứ, chạm bạc…), nhà báo, bình luận viên, dẫn chương trình, người mẫu, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ, đạo diễn, chuyên viên trang điểm, thiết kế thời trang, kiến trúc sư…
Hiện nay,có tất cả các ngành nghề này đều có đào tạo tại các trung tâm kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp của địa phương, các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường đại học vùng và đại học trên toàn quốc.
NHÓM XÃ HỘI
Kiểu người linh hoạt, quảng giao – phục vụ xã hội (ký hiệu XH)
1. Đặc điểm.
Những người ở nhóm xã hội có sở thích và có khả năng làm việc, giao tiếp người với người, thích đi đây, đi đó. Cùng trong nhóm này là giáo viên, tư vấn viên, bác sĩ, luật sư...
Khả năng của những người thuộc nhóm này cần phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
Quảng giao - Linh hoạt:
- Có khả năng tổng kết, quy nạp, diễn dịch.
- Biết lắng nghe, lắng nghe tích cực, có phản hồi.
- Sáng tạo, linh hoạt, thông minh.
- Tuyệt đối tôn trọng ý kiến thân chủ.
- Năng lực chú ý vững vàng.
- Kiên trì, nhạy cảm.
- Lịch thiệp.
- Thần kinh vững mạnh, tự kiềm chế tốt.
- Tôn trọng mọi người.
- Sức khỏe tốt, bền bỉ.
- Có tính sáng tạo.
- Tinh thần phục vụ tự nguyện.
2. Môi trường làm việc tương ứng.
Làm các công việc trong môi trường mang tính xã hội cao, thường xuyên giao tiếp với người khác hoặc có nhiều cơ hội giúp đỡ, huấn luyện, chỉ dẫn người khác.
Nghề phù hợp điển hình: sư phạm, y khoa, dược khoa, luật sư, tâm lí – giáo dục, du lịch, xã hội học…
Chống chỉ định đối với những người mắc các bệnh sau:
- Lao.
- Thiếu máu.
- Tâm thần không ổn định.
- Bệnh truyền nhiễm.
3. Các ngành nghề đào tạo.
Giáo viên các cấp, tư vấn viên, bác sĩ, dược sĩ, y tá, dược tá, nhân viên các công ty du lịch, hướng dẫn viên du lịch, luật sư, huấn luyện viên, tư vấn hướng nghiệp, dịch vụ khách hàng, cán bộ xã hội, cán bộ Hội Phụ nữ, nhân viên khách sạn/ Resort...
Hiện nay tất cả các ngành nghề này đều có đào tạo tại các trung tâm kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề của địa phương, các trường trung cấp chuyên nghiệp và các trường đại học vùng và Trung ương.
NHÓM QUẢN LÝ
Kiểu người chủ động uy quyền – dựng nghiệp quản lý (ký hiệu QL)
1. Đặc điểm.
Những người ở nhóm quản lí có sở thích và khả năng làm việc thiên về ra lệnh cho người khác và lãnh đạo một nhóm người hay cả một tập thể lớn. Nghề thuộc nhóm này mang tính chất quản lí như công an, sĩ quan, quản trị kinh doanh, kĩ thuật công nghệ, quản lí chuyên nghiệp, điều hành hoạt động hệ thống có tầm cỡ ảnh hưởng rộng lớn với nhiều con người, nhiều vấn đề ở cấp kinh tế, vĩ mô.
Khả năng của những người thuộc nhóm này cần phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
- Chủ nghĩa - Uy quyền:
- Nhà quản trị theo quan niệm mới, tránh đặc quyền, độc quyền.
- Trí tuệ là một quyền lực.
- Tính cách cương nghị, biểu hiện từ vóc dáng đến tư thế đi đứng, ăn nói.
- Là người có kĩ năng sống: hài hòa, thích ứng, sáng suốt, tỉnh táo, có hệ thần kinh vững , bình tĩnh xét đoán tình hình, đối tượng, có trí nhớ tốt, tập trung sâu, bền vững.
Đòi hỏi phải có các kĩ năng:
- Kiến tạo tổ chức.
- Xây dựng giá trị mới cho tổ chức.
- Tạo ra động lực hoạt động.
- Không ngừng tự giáo dục và giáo dục thuộc cấp, xây dựng tổ chức học tập.
2. Môi trường làm việc tương ứng. 
Môi trường làm việc mang tính chất quản lí, lãnh đạo, ra lệnh cho người khác và thực hiện các chức năng:
- Điều hành chung.
- Chủ trì sản xuất.
- Điều phối thông tin, chiến lược giao tiếp.
- Giám sát từng giai đoạn; trợ giáo.
- Tạo điều kiện hòa hợp và hội nhập.
Nghề phù hợp điển hình: nhà lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành, hiệu
trưởng, luật sư…
3. Các ngành nghề đào tạo. 
Công an, sĩ quan quân đội, quản trị kinh doanh, kĩ thuật công nghệ, chủ doanh nghiệp, chuyên viên PR (pi-a), quản lí khách sạn, bếp trưởng khách sạn cao cấp, quản lí giáo dục các cấp…
Hiện nay tất cả các ngành nghề này đều có đào tạo tại các trung tâm kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề của địa phương, các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường đại học vùng và đại học trên toàn quốc.
NHÓM NGHIỆP VỤ
Kiểu người thận trọng, nề nếp – nghiệp vụ quy củ (ký hiệu NV)
1. Đặc điểm.
Những người ở nhóm nghiệp vụ có sở thích và có khả năng làm việc ở văn phòng, làm các công việc sổ sách như các ngành nghề về văn thư, hành chính, tài vụ, bưu điện, tiếp tân....
Nhóm nghề này đòi hỏi phải có hoạt động giao tiếp với nhiều người, với nhiều công việc, có nghiệp vụ, được huấn luyện từ trung cấp đến đại học trong doanh nghiệp, trong hoạt động phục vụ công cộng…
Khả năng của những người thuộc nhóm này cần phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
- Nền nếp - thận trọng
- Lĩnh hội diễn tả ngôn từ lịch sự, hấp dẫn, rõ ràng.
- Thận trọng nhưng nhanh nhẹn.
- Ứng xử kịp thời, siêng năng.
- Hiểu biết về lịch sử, chính trị, văn hoá, nghệ thuật…
- Hiểu rõ người đối thoại.
- Làm việc ngăn nắp, điều độ, không nhầm lẫn.
- Có trí nhớ tốt.
- Tự tin, biết điều tiết, kiềm chế.
- Có khả năng hoạt động độc lập.
- Giỏi ngoại ngữ và tâm lí ứng xử.
- Xử lí thông tin tốt.
2. Môi trường làm việc tương ứng. 
Môi trường làm việc mang tính chất giao tiếp sự việc với nhiều người, nhiều công việc, đòi hỏi có tính nghiệp vụ như lưu trữ văn thư, kế toán, tài chính, tín dụng…
Nghề phù hợp điển hình: nhân viên ngân hàng, kế toán, thư kí văn phòng, biên tập viên…
Chống chỉ định:
- Bệnh lao, bệnh truyền nhiễm.
- Dị tật, nói ngọng, điếc.
3. Các ngành nghề đào tạo. 
Thư kí, nhân viên lưu trữ, thư viện, nhân viên văn phòng, chuyên viên thuế, thủ quỹ, kế toán viên, tiếp tân, bưu điện, nhân viên ngân hàng…
Hiện nay tất cả các ngành nghề này đều có đào tạo tại trung tâm kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề của địa phương, các trường trung cấp chuyên nghiệp và các trường đại học vùng, Trung ương.
_ST_

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Đọc Hiểu Thông Báo Tuyển Dụng

Một trong những thói quen của đa số các bạn trẻ đi tìm việc đó là gửi hồ sơ vào bất kỳ một công việc nào mà phù hợp với sở thích của bản thân, phù hợp với chuyên ngành mình học hay đơn giản là gửi hồ sơ phỏng vấn càng nhiều công ty thì cơ hội có công việc càng cao.

Tuy nhiên, chính vì thói quen này cho nên rất nhiều bạn trẻ xảy ra tình trạng gửi hồ sơ vào 20 công ty, có 5 công ty mời đi phỏng vấn và không có bất kỳ phản hồi nào từ NTD khi phỏng vấn xong. Có rất nhiều nguyên nhân để dẫn  đến việc này như: Phỏng vấn kém, trình độ chuyên môn không đủ, ngành học không phù hợp.... Tuy nhiên, nguyên nhân mà Tôi muốn đề cập ở đây chính là việc bạn đã thất bại ngay từ những bước đầu tiên khi xác định công ty mà mình ứng tuyển. Bạn đã không hiểu thông tin đăng tuyển dụng của phía công ty.

Tại sao lại như vậy?

Ở bất kỳ công việc nào cũng đều đòi hỏi những điều kiện nhất định từ phía ứng viên như: Trình độ học vấn, khả năng chuyên môn, các kỹ năng cần thiết, những yêu cầu đặc thù phát sinh của công việc... Nếu ứng viên không đáp ứng được những đòi hỏi này thì chắc chắn một thực tế là hồ sơ của bạn sẽ bị loại ngay từ vòng sàng lọc hồ sơ.

Vậy làm cách nào để hiểu rõ về thông báo tuyển dụng mà công ty đăng tải? Câu hỏi này tưởng như đơn giản nhưng lại khiến tất cả những người tìm việc đau đầu.

Để giúp các bạn giải đáp câu hỏi này. Tôi đã tham khảo một vài cuốn sách và tìm được câu trả lời trong cuốn "Bản CV hoàn hảo" của Jim Bright và Joanne Earl. Trong cuốn sách này có đưa ra 7 câu hỏi để chất vấn về các thông tin tuyển dụng để giúp các bạn hiểu rõ hơn về công việc mà mình định ứng tuyển và chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển phù hợp nhất. Tôi xin chia sẻ với mọi người về 7 câu hỏi này:


1. Bạn không hiểu những điều gì trong quảng cáo tuyển dụng?

Câu hỏi này giúp bạn tìm ra những điểm đặc thù, những yêu cầu đặc biệt trong công việc mà bạn đang ứng tuyển hay chỉ ra cho bạn thấy những điều kiện mà bạn chưa đáp ứng được trong công việc mà công ty yêu cầu để bạn có thể bổ sung ngay lập tức.

Ví dụ: Trong một mẩu tin thông báo tuyển dụng vị trí "Nhân viên thiết kế" có yêu cầu ứng viên cần phải:
- Sử dụng thành thạo các phần mềm vẽ và thiết kế: Photoshop, Corel draw, illustrator, Auto card...

=> Nếu bạn đang định ứng tuyển vào công ty này thì cần phải tìm hiểu và biết những phần mềm vẽ và thiết kế mà công ty đang yêu cầu.

2. Lĩnh vực hoạt động của công ty là gì? Công ty đang được tổ chức, sắp xếp lại hay đang tăng trưởng, phát triển?

Bạn có thể tìm hiểu qua báo, đài, internet... về những thông tin trên. Bên cạnh đó, nếu bạn có người quen làm việc trong công ty thì hãy ngay lập tức sắp xếp 1 cuộc hẹn và tìm hiểu thông qua người bạn đó. Hãy thấu hiểu công ty, môi trường làm việc, con người nơi đây để tăng cơ hội trúng tuyển.

3. Mục đích chính của những điều kiện tuyển dụng được nêu ra trong quảng cáo là gì?

Câu hỏi này nhằm xác định được nhóm ứng viên mục tiêu mà NTD đang mong muốn hướng tới. Từ đó xác định xem bạn có nằm trong nhóm này hay không. Nếu câu trả lời là không thì khả năng hồ sơ bị loại của bạn là rất cao.

Ví dụ: Trong mẩu tin đăng tuyển vị trí "Chuyên viên cao cấp thu hồi nợ" của VIB yêu cầu ứng viên phải:

- Hiểu biết về thị trường bán lẻ và các bộ luật, quy định liên quan đến tín dụng cho khách hàng cá nhân/ khách hàng doanh nghiệp.
- Bằng cấp tối thiểu: Cử nhân chuyên ngành luật, học việc tư pháp, tài chính ngân hàng.
- Ưu tiên ứng viên có chứng chỉ luật sư.

=> Thông qua yêu cầu này, chúng ta có thể thấy vị trí này hướng tới nhóm đối tượng có chuyên ngành về luật, hoặc đã từng có kinh nghiệm làm việc liên quan đến luật.

4. Vì sao những điều kiện ứng tuyển này lại quan trọng với công ty?

Những ứng viên đáp ứng đầu đủ các tiêu chuẩn, điều kiện ứng tuyển... thông thường họ là những người yêu thích, đam mê với công việc đang ứng tuyển và sẽ cam kết gắn bó lâu dài với công việc này.

5. Những kỹ năng nào mà NTD mong muốn ứng viên sẽ có? Ngoài ra họ cần những kỹ năng nào khác cho mục đích công việc?

Điều này sẽ xác định bạn năng lực hiện tại của bạn so với yêu cầu công việc có đáp ứng được hay không. Bạn có phải là người lý tưởng dành cho công việc này hay không.

6. Những phẩm chất cá nhân nào mà NTD mong muốn? Còn những phẩm chất cá nhân nào khác có thể cần cho mục đích công việc?

Mỗi công việc đều có những đòi hỏi khá riêng biệt về người đảm nhận. Ví dụ có công việc thì cần người nhiệt huyết, máu lửa; Có công việc thì lại cần người cẩn thận, thật thà... Bạn hãy xác định xem công việc mà công ty đang đăng tuyển cần một người như thế nào.

7. Những lĩnh vực/ kiến thức đào tạo nào mà NTD cần đến? Những hiểu biết/ kinh nghiệm nào khác còn có thể được cần đến, vì mục đích công việc?

Điều này xác định xem những hiểu biết về chuyên môn, ngành học của bạn có phù hợp với yêu cầu của công việc hay không.

Bên cạnh 7 câu hỏi này, Tôi nhìn nhận thêm 1 câu hỏi để các bạn tìm hiểu kỹ càng hơn về công việc mà mình đang ứng tuyển.

8. Những yêu cầu đặc thù của công việc mà công ty cần đến?

Câu hỏi này nhằm xác định các yếu tố đặc biệt trong công việc mà công ty đang cần.

Ví dụ: Trong mẫu tin đăng vị trí "Quản lý đơn hàng" của Công ty CP Xuất nhập khẩu khoáng sản Hà Nam có 1 yêu cầu rất đặc biệt:

- Từ nhà đến công ty khoảng 30 phút

=> Điều này cho thấy, công việc này đôi khi bạn phải đột xuất có mặt tại công ty để hoàn thành công việc khi có yêu cầu từ cấp trên.

Thông tin bài viết có tham khảo cuốn sách "Bản CV hoàn hảo" của 2 tác giả Jim Bright và Joanne Earl. Bạn cũng có thể tìm đọc cuốn sách này của nhà xuất bản Alpha Books.

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Những Câu Nói Nhà Tuyển Dụng Không Muốn Nghe Nhất

Trong cuộc phỏng vấn, đôi khi do vô tình chúng ta phạm phải một vài sai lầm dẫn đến thất bại trong cả cuộc phỏng vấn. Trong đó, việc bạn dùng những câu từ, ngôn ngữ thiếu tinh tế, đụng chạm hoặc gây khó chịu cho nhà tuyển dụng là vô cùng phổ biến. Với kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, Tôi xin liệt kê một số câu nói mà nhà tuyển dụng "dị ứng" khi bắt gặp ở ứng viên.

1. Anh/ Chị cho hỏi mức lương và các chế độ ở vị trí này là như thế nào?

Nhà tuyển dụng sẽ không thích những ứng viên đến với công việc vì tiền bạc. Bởi đôi khi những người như vậy sẽ khó gắn bó với doanh nghiệp (Nếu có một doanh nghiệp khác trả cao hơn, bạn sẽ sẵn sàng nhảy việc). Hãy chứng tỏ cho họ thấy bạn đến với công việc này bằng niềm đam mê và sự yêu thích công ty.

2. Anh/Chị có thể nói cho em về nội dung công việc này hay không?

Nếu bạn chưa tìm hiểu kỹ càng về công việc trước khi đến tham dự phỏng vấn thì chắc chắn bạn đã cầm chắc một vé thất bại. Chẵng nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một ứng viên không hề quan tâm gì đến công việc.

3. Sắp tới Em có việc bận, Anh/Chị có thể hỗ trợ Em được hay không?

Khi bạn chưa cống hiến một chút gì cho tổ chức mà đã đặt ra điều kiện trong công việc thì sẽ chẳng ai thích bạn cả.

4. Anh/Chị có thể giới thiệu qua về công ty được không?

Nếu là bạn, bạn có tự tin tuyển dụng một người mà không thèm tìm hiểu về công ty hay không?

5. Em thấy công việc này cũng không có gì khó khăn với khả năng của Em.

Nhà tuyển dụng sẽ thích những ứng viên khiêm tốn và điềm đạm trong phỏng vấn. Bạn không nên có thái độ kiêu ngạo với công việc và nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn để chứng tỏ khả năng của bản thân.

6. Nhận xét tiêu cực về công việc cũ của mình.

Chẳng ai thích tuyển dụng một người nói xấu về công ty/công việc cũ của mình. Nhà tuyển dụng sẽ dự đoán điều này sẽ tiêp tục xảy ra khi bạn nghỉ việc ở công ty hiện tại.

7. Bảo vệ quan điểm cá nhân và không lắng nghe góp ý từ phía nhà tuyển dụng

Việc thiếu lắng nghe những góp ý từ nhà tuyển dụng sẽ làm cho cơ hội đi tiếp của bạn hẹp lại. Việc thừa nhận sai sót và khuyết điểm của bản thân không có điều gì là xấu hay ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của bạn. Chính vì vậy, mạnh dạn nhận sai cũng là cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.