Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

6 Sai Lầm NTD Hay Mắc Phải Khi Phỏng Vấn

Lực chọn và tuyển dụng được một người nhân viên xuất sắc là một công việc khó khăn. Nhưng một khi làm được, đó sẽ là một trong những nước cờ quan trọng nhất cho doanh nghiệp của bạn. Một nền kinh tế như hiện nay không có chỗ cho những quyết định tuyển dụng sai lầm. Trong đó quá trình phỏng vấn đóng một vai trò then chốt trong việc tuyển chọn được ứng viên tốt nhất cho công việc.    

Phỏng vấn là một nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng là nghệ sĩ. Tất cả chúng ta đều đã từng là những ứng viên rất mong mỏi công việc. Giống như họ, chúng ta cũng phải nghiên cứu kỹ về công ty đăng tuyển, chuẩn bị hồ sơ xin việc, tập luyện những đoạn nói quan trọng khi được phỏng vấn và ăn mặc như những doanh nhân. Nhưng dù bạn có tin hay không, việc thực hiện một cuộc phỏng vấn thậm chí còn cần nhiều kỹ năng và sự chuẩn bị hơn. Và những kỹ năng phỏng vấn hiệu quả chỉ có thể có được với sự luyện tập, kinh nghiệm và phương pháp hợp lý.  

Sau đây là sáu sai lầm thường gặp cần tránh khi tiến hành một cuộc phòng vấn:

1. Dựa trên ấn tượng đầu tiên.


Những người phỏng vấn có xu hướng đưa ra những quyết định nhanh chóng về phẩm chất và năng lực của một ứng viên chỉ sau vài phút đầu tiên của cuộc phỏng vấn dựa trên những thông tin ít ỏi. Tuy nhiên, điều bạn thấy đầu tiên không phải lúc nào cũng là thứ bạn nhận được! Vì vậy, những người phỏng vấn cần phải để dành sự phán xét của mình cho đến khi tất cả thông tin về ứng viên được thu thập.

2. Quá đề cao những yếu tố tiêu cực.


Những người phỏng vấn thường có xu hướng ghi nhớ và bị ảnh hưởng bởi những thông tin bất lợi hơn là những thông tin thuận lợi của ứng viên, nhưng một người phỏng vấn giỏi không nên chỉ quá tập trung vào các thông tin tiêu cực đó. Họ cần giữ được sự khách quan để nhìn rõ tất cả điểm mạnh và điểm yếu của ứng viên.

3. Không biết rõ về công việc.


Những người phỏng vấn không hiểu rõ một cách toàn diện về công việc thường áp đặt ý kiến cá nhân của họ về một người ứng viên lý tưởng. Nhưng làm sao một người có thể lựa chọn được ứng viên phù hợp nhất với công việc nếu họ không biết rõ những yêu cầu và kĩ năng cần cho vị trí đó? Để có thể thành công trong quá trình tuyển chọn, những người phỏng vấn cần hiểu rõ tất cả các yêu cầu của công việc để từ đó biết được liệu ứng viên đó có phù hợp với vị trí công việc ấy hay không.

4. Áp lực tuyển dụng. 


Khi những người phỏng vấn cần phải đưa ra quyết định nhanh chóng, họ thường có xu hướng quyết định dựa trên một nguồn thông tin hạn chế, hoặc trên một số lượng nhỏ các ứng viên. Những người phỏng vấn nên bám sát quy trình phỏng vấn và tiến độ đã được lập ra để tránh có những quyết định tuyển dụng sai lầm.

5. Hiệu ứng đối chiếu.


Thứ tự phỏng vấn của các ứng viên có thể ảnh hưởng đến những điểm số dành cho họ. Khi cho điểm, những người phỏng vấn không nên so sánh và đối chiếu các ứng viên với những người đã được phỏng vấn từ trước. Một lần nữa, hãy giữ cái nhìn khách quan của mình và đánh giá các ứng viên dựa trên thông tin của họ và khả năng họ có thể làm được công việc hay không.

6. Chỉ dựa trên sự thể hiện của ứng viên khi phỏng vấn.


Những người phỏng vấn nên đánh giá các ứng viên dựa trên những thành quả họ đã làm được và xu hướng hành vi trong hiện tại, bởi vì nó liên quan đến việc họ sẽ thực hiện công việc mới như thế nào - hơn là chỉ dựa trên những gì ứng viên thể hiện trong cuộc phỏng vấn. Những câu hỏi liên quan đến kỹ năng và thái độ trong công việc sẽ cung cấp những thông tin quan trọng cho người phỏng vấn.

Theo Profiles International SEA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét