Chào các bạn,
Một trong những điều mà Tôi ghi nhận được trong suốt 4 năm làm công tác nhân sự tiếp xúc với cả hàng nghìn ứng viên. Đó là thiếu đi SỰ TỰ TIN của các bạn khi tham gia ứng tuyển hay phỏng vấn.
Sự tự tin ở đây không phải là thái độ kiêu ngạo, coi trời bằng vung, tự cho mình là người giỏi nhất mà đó là sự tìm tòi, am hiểu công việc mà bạn hướng tới, sự rèn luyện nghiêm khắc trong các thử thách trước mỗi buổi phỏng vấn và thái độ ham học hỏi của bạn.
Tôi mời các bạn tham khảo câu chuyện và những bài học Tôi nhận được trong lần phỏng vấn đầu tiên của mình khi mới ra trường.
Tôi học chuyên ngành Quản trị nhân lực tại trường Đại học Lao động - Xã hội niên khóa 2006 - 2010. Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại ưu trong tay và chưa hề có bất kỳ một sự định hướng nào về nghề nghiệp. Tôi bắt đầu công cuộc tìm hiểu và nghiên cứu những công việc mà mình có thể làm khi tốt nghiệp, một câu hỏi đặt ra trong Tôi: Tiếp tục theo đuổi chuyên ngành mà mình đã học hay lựa chọn 1 công việc khác phù hợp hơn ở giai đoạn hiện tại? Nếu theo đuổi chuyên ngành mình học, cơ hội thành công chỉ có 10% (Vì theo tìm hiểu của Tôi, công việc nhân sự đòi hỏi kinh nghiệm làm việc, tuổi đời và cả những sự trải nghiệm trong cuộc sống... Đây là những điều mà tôi chưa hề có) còn nếu xin 1 công việc tạm thời như Nhân viên kinh doanh tại đâu đó, mức độ thành công sẽ được nâng lên thành 50%. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Tôi quyết định đi tìm một công việc đúng chuyên ngành mình học dù biết rằng nó sẽ vô cùng khó khăn.
Bài học 1: Bạn phải có sự quyết tâm và kiên trì với mục tiêu mình theo đuổi.
Tôi định hướng mình sẽ xin vào làm nhân sự ở 1 công ty nào đó, có thể làm 1 trong 2 mảng tuyển dụng, đào tạo. Đây là 2 lĩnh vực mà Tôi yêu thích nhất cho đến tận bây giờ.
Bài học 2: Bạn phải xác định được công việc mà mình mong muốn, định hướng 1 cách rõ ràng (Điều này giúp bạn thu hẹp phạm vi tìm kiếm và tăng cơ hội lựa chọn được công việc) và thực sự yêu thích nó.
Sau đó, Tôi đọc được thông tin tuyển dụng vị trí "Chuyên viên Tuyển dụng" tại Công ty XXX (Đây là một công ty lớn xếp thứ 71 trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam thời điểm đó) là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ thiết bị công nghệ. Đọc yêu cầu ở vị trí tuyển dụng mà thất vọng tràn trề: "Độ tuổi từ 24 trở lên, tốt nghiệp ĐH chuyên ngành quản trị nhân sự, kinh tế, thương mại... có 2 năm kinh nghiệm ở vị trí tương đương. Ưu tiên những người trong lĩnh vực bán lẻ....". Tuy không đạt so với điều kiện đề ra, nhưng Tôi vẫn quyết tâm nộp hồ sơ và hồi hộp chờ đợi điện thoại từ NTD. Tôi tin rằng với cách trình bày CV của minhfm Tôi sẽ được gọi (Bạn có thể tham khảo cách viết CV trong mục mà Tôi đã trình bày Cách Viết CV Hiệu Qủa). Sau hơn 1 tuần chờ đợi, cuối cùng Tôi cũng nhận được điện thoại mời phỏng vấn từ phía công ty XXX vào 2 ngày sau.
Tôi bắt đầu vào Web để tìm hiểu các thông tin về công ty: Lịch sử hình thành, tầm nhìn, lĩnh vực kinh doanh... rồi đọc đi đọc lại yêu cầu về công việc tuyển dụng. Và để chuẩn bị tốt hơn cho buổi phỏng vấn, Tôi quyết định đến 1 chi nhánh của công ty để mua hàng (Một món sản phẩm giá trị rất nhỏ), trải nghiệm môi trường làm việc, hiểu rõ cách phục vụ khách hàng, con người và sản phẩm mà công ty đang kinh doanh...
Bài học 3: Bạn cần phải hiểu rõ về công ty mà mình ứng tuyển. Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng.
Tôi tự tin khi đến tham gia phỏng vấn trong trang phục áo sơ mi + quần tây + giầy đen. Đón tiếp và phỏng vấn tôi là 1 Anh trông khá trẻ. Anh có nụ cười dễ mến và khá thân thiện. Cuộc trò chuyện diễn ra nhanh chóng trong vòng 8 - 10 phút với các thông tin trao đổi về công ty, về công việc mà tôi ứng tuyển (Vì còn khá nhiều ứng viên). Đây là những thông tin Tôi đã tìm hiểu trước đó. Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, Tôi có kể Anh nghe về sản phẩm mà Tôi mua tại công ty và có nhã ý muốn xin SĐT của Anh để liên lạc nếu sản phẩm có vấn đề. Anh vui vẻ chấp nhận và chúng tôi trao đổi SĐT cho nhau. Kết thúc vòng 1 của buổi phỏng vấn với lời hẹn, công ty sẽ liên hệ trong vòng từ 3 - 5 ngày nếu hồ sơ của Tôi đạt.
Bài học 4.1: Bạn phải xuất hiện trong buổi phỏng vấn cùng với NTD một cách chuyên nghiệp nhất. Các bạn tham khảo Bạn Xuất Hiện Trước Nhà Tuyển Dụng Như Thế Nào?
Bài học 4.2: Bạn phải biết cách gây ấn tượng với NTD để họ có thể nhớ đến bạn trong hàng trăm ứng viên. Tôi sẽ có 1 bài trình bày về cách gây ấn tượng với NTD trong 1 bài khác.
Bước sang ngày thứ 4 sau buổi phỏng vấn lần 1, Tôi được gọi từ phía công ty thông báo đã vượt qua vòng 1 và sẽ tiếp tục vào vòng 2 phỏng vấn cùng với Trưởng phòng Nhân sự sau 2 ngày nữa. Vừa mừng, vừa lo không biết nội dung của cuộc phỏng vấn sẽ ra sao, rồi câu hỏi liệu NTD có chú ý đến tuổi tác và số 0 năm kinh nghiệm của mình hay không?
Tôi quyết định dựa vào 6 tháng thực tập và làm việc tại 1 công ty trước khi ra trường để làm thế mạnh của mình. Tôi cẩn thận sắp xếp lại tất cả các kiến thức mà mình đã được trãi nghiệm trong 6 tháng qua về: Tuyển dụng, về luật lao động, luật bảo hiểm xã hội...
Bài học số 5: Hãy biến thời gian thực tập của bạn thành kinh nghiệm làm việc của bạn. Tôi sẽ có 1 bài trình bày về kinh nghiệm trong thời gian đi thực tập sau cho các bạn.
Buổi phỏng vấn diễn ra trong vòng 1h đồng hồ với rất nhiều câu hỏi liên quan đến chuyên ngành, công việc thực tế như: Quy trình tuyển dụng ở 1 công ty ra sao, cách đăng tin tuyển dụng như thế nào để thu hút ứng viên, chế độ thai sản của người lao động.... Trong buổi phỏng vấn, tôi tự tin trả lời được 85% câu hỏi của Anh Trưởng phòng và số còn lại, Tôi xin lỗi Anh vì mình chưa kịp tìm hiểu và xin phép trả lời Anh sau nếu chúng tôi có thể gặp nhau tiếp trong thời gian tới.
Bài học số 6: Hãy thẳng thắn, trung thực và dứt khoát trong quá trình phỏng vấn. NTD thừa thông minh để xác định vấn đề bạn trả lời là đúng hay sai, là biết hay không biết.
Kết thúc vòng 2 được 3 ngày, Tôi tiếp tục được mời đến tham gia 1 buổi thi trình bày bằng Slide với đề tài tự chọn với hội đồng giám khảo là 4 người chấm điểm (Trong đó có Anh Trưởng phòng phỏng vấn vòng 2). Bản thân tôi sau khi nghe thông báo đã rất mất tự tin vì Tôi mới chỉ 1 lần đứng thuyết trình Slide trước hội đồng giám khảo (Những người sẽ chú ý đến từng cử chỉ, lời nói của Tôi) trong lần bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Chính vì vậy, Tôi lao vào chuẩn bị Slide và luyện tập khả năng giao tiếp. Nào là đứng trước gương trình bày một mình, rồi nhờ nhóm bạn đứng dưới lắng nghe và nhận xét Tôi khi trình bày....
Bài học số 7: Liên tục rèn luyện những điểm còn thiếu xót và không ngừng nỗ lực bù đắp điểm yếu để bạn phù hợp với yêu cầu công việc. Hãy cho NTD thấy bạn đang trưởng thành lên theo thời gian.
Và với sự chuẩn bị chu đáo của mình, Tôi đã hoàn thành xong bài trình bày một cách xuất sắc (Theo như bản thân Tôi nhận định). Tôi ra về mà trong lòng rất thanh thản, bởi bản thân Tôi đã cố gắng hết sức. Thời gian chờ đợi kéo dài đến hơn 1 tuần. Tôi nhận được thông báo của P. Nhân sự là đến gặp Anh Giám đốc để nói chuyện lần cuối.
Trong cuộc gặp, Sau quá trình giới thiệu bản thân và chào hỏi thông thường. Anh hỏi Tôi 2 câu:
Câu 1: Em tốt nghiệp trường nào?
Và Tôi đã trả lời: Em là sinh viên trường ĐH Lao động - Xã hội tốt nghiệp khóa Đ2 năm 2010. Trường Em có 4 khoa: Quản trị nhân lực, Bảo hiểm, Kế toán và Công tác xã hội. Trong đó, Quản trị nhân lực là ngành đào tạo thế mạnh của trường. Chất lượng đào tạo không hề thua kém so với các trường hàng đầu trong đào tạo chuyên ngành về Nhân sự như: Kinh tế quốc dân, khoa học xã hội và nhân văn.
Bài học số 8: Hãy luôn tự hào khi nói về gia đình (Bố, mẹ, Anh, Em...), về quê quán (Tôi sinh ra ở Thanh Hóa) và nơi đã đào tạo mình (Trường ĐH Lao động Xã hội được rất ít người biết đến).
Câu 2: Em là một người trẻ ứng tuyển vào vị trí đòi hỏi kinh nghiệm làm việc và sự trải nghiệm thực tế cuộc sống. Em nghĩ mình có thể làm tốt được công việc này hay không?
Và Tôi trả lời: Nếu bạn quan tâm tới câu trả lời của Tôi, vui lòng gửi yêu cầu vào Email: nhatlong1412@gmail.com. Tôi sẽ phản hồi cho riêng bạn nhé.
Kết thúc gần 3 tuần phỏng vấn ở vị trí "Chuyên viên Tuyển dụng" chiến thắng gần 100 ứng viên để đi đến thắng lợi cuối cùng. Tôi đã được nhận vào công ty và làm việc mà mình yêu thích ngay trong lần phỏng vấn đầu tiên.
Trên đây là câu chuyện của Tôi về quá trình phỏng vấn và những bài học Tôi rút ra được. Rất mong điều này sẽ giúp ích được cho các bạn.
câu chuyện của anh rất hay. Em thật sự đang cần những câu chuyện lấy động lực như vậy, vì em cũng chuẩn bị cho buổi phỏng vấn đầu tiên. Cảm ơn anh đã chia sẽ
Trả lờiXóa