- Cơ hội thứ nhất đến từ một công ty nhỏ với quy mô khoảng 40 người đang kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ. Công ty này hiện nay chưa có bất kỳ 1 hệ thống hay quy định nhân sự nào và công việc của bạn phải xây dựng được hệ thống nhân sự cho công ty.
- Cơ hội thứ hai đến từ 1 ngân hàng tư nhân lớn với vị trí nhân sự, bạn sẽ đảm nhận vai trò bên bộ phận tổ chức của ngân hàng đó. Bạn thuộc mảng tổ chức các sự kiện trong ngân hàng.
Tôi thấy đây cũng là 1 nỗi niềm trăn trở của tương đối nhiều bạn sinh viên mới ra trường khi lựa chọn bắt đầu công việc thế nào cho tốt. Trước khi tư vấn cho bạn, Tôi có quy ước rõ ràng với bạn về việc sẽ loại bỏ các yếu tố khách quan khác như: Tiền lương + chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc... mà chỉ tập trung phân tích cho bạn ở việc phát triển nghề nghiệp sau này khi bạn bắt đầu công việc.
Ở cơ hội thứ nhất, đây là loại hình doanh nghiệp nhỏ rất phổ biến hiện nay ở đất nước chúng ta. Khi bạn làm việc ở công ty này, bạn có cơ hội được vận dụng tất cả các kiến thức về nhân sự của bạn được học như: Tuyển dụng, đào tạo nhân viên, làm sơ đồ tổ chức, viết mô tả công việc, ban hành nội quy công ty...rồi các công việc liên quan đến tiền lương như: tổng hợp công, tính lương giỏi bằng Excel (Thông thường chưa có hệ thống nên tính bằng Excel)... rồi các công việc liên quan đến BHXH như: đăng ký BHXH cho người lao động trên sở LĐTBXH... Nói chung là tất cả những vấn đề về nhân sự bạn sẽ là người phải tự làm.
Khi bạn tự làm tất cả thì những kỹ năng về nhân sự của bạn sẽ được tăng lên rất nhiều. Bạn sẽ xây dựng cho mình một nền tảng vô cùng vững chắc về nghề nhân sự để tiếp nhận những cơ hội tiếp theo trên con đường nghề nghiệp của mình.
Tuy nhiên, khi bạn bắt đầu ở cơ hội thứ nhất, bạn phải lường trước được sẽ gặp vô vàn khó khăn như: Bạn chưa có kinh nghiệm xây dựng hệ thống, chỉ có một mình bạn tự bơi trong một đống các công việc khác nhau.... Bạn phải thực sự sẵn sàng và có 1 bản lĩnh cao cường để vượt qua những việc đó.
Ở cơ hội thứ hai, bạn sẽ được làm việc ở một môi trường làm việc chuyên nghiệp với tất cả các quy định, quy trình được mặc định sẵn và ban hành từ trước. Ở các công ty lớn này thông thường công việc sẽ chia ra làm các mảng riêng biệt như: Tuyển dụng riêng, đào tạo riêng, tổ chức cán bộ riêng, chế độ chính sách riêng... bạn sẽ được phân công phụ trách chuyên về một công việc nào đó trong tổ chức.
Trong những đơn vị lớn như thế này, bạn sẽ học được 1 tác phong làm việc chuyên nghiệp, cách xử lý công việc hiệu quả, tiếp cận với những tiến bộ trong công tác quản lý. Bạn có cơ hội hiểu rõ, chuyên sâu về một vấn đề mà bạn đang đảm trách. Tuy nhiên, chính điều này làm bạn hạn chế trong việc tìm hiểu công việc thực tế ở các khâu khác trong cùng P. Nhân sự.
Ở 2 cơ hội mà Tôi đang phân tích cho các bạn đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vì vậy,việc bạn bắt đầu công việc ở cơ hội nào dựa vào mục tiêu trong công việc tương lai của bạn. Cơ hội đầu tiên giúp bạn có đầy đủ kỹ năng của 1 người Trưởng phòng nhân sự ở các công ty; Còn cơ hội thứ hai lại giúp bạn có thể trở thành một chuyên viên cao cấp về nhân sự chuyên về một mảng nào đó.
Khi bạn bắt đầu ở công việc thứ hai, bạn phải đối mặt thêm với tâm lý "lười" đi tìm hiểu các công việc khác. Một phần bởi công việc hiện tại của bạn sẽ khá nhiều (Doanh nghiệp tư nhân lớn) và do các bộ phận là tách biệt nên bạn cũng sẽ không có những trãi nghiệm thực tế công việc ở các bộ phận khác.
Tuy nhiên, những điều Tôi nói ở trên chỉ mang tích chất tương đối. Điều quan trọng nhất vẫn nằm ở chính bản thân của bạn, dựa vào chính nghị lực, sự quyết tâm... của bạn thể hiện trong công việc. Nếu bạn có những điều đó cộng với sự kiên trì và đam mê trong nghề nhân sự. Tôi tin bạn sẽ thành công dù khởi đầu ở bất kỳ cơ hội nào.
Còn xuất phát từ thực tế trải nghiệm của bản thân Tôi, Tôi khuyên bạn nên bắt đầu những công việc mà bạn được làm việc thực tế, được cống hiến, được tự tay thực hiện mọi thứ và đứng ra giải quyết các công việc phát sinh... Điều này sẽ tốt cho những bạn trẻ khi mới ra trường.
Chúc các bạn thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét