Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Tại Sao Bạn Thất Bại Ở Môi Trường Mới

Chào các bạn,

Hôm nay, Tôi nhận được thông tin về 1 bạn ứng viên mà Tôi đánh giá về tiềm năng, tố chất, kỹ năng... hoàn toàn phù hợp để phát triển tại công ty nhưng chỉ sau 8 ngày học huấn luyện và xuống siêu thị thực tập, bạn đã bị BP. Đào tạo trả về với lý do: Không phù hợp với công việc.

Vậy điều gì đã khiến bạn đó thất bại trong vấn đề hòa nhập tại môi trường mới. Sau khi trao đổi với bạn, Tôi có một số kết luận cho sự việc lần này:

1. Cái TÔI của bản thân quá lớn

Mỗi người đều có 1 cái Tôi riêng của bản thân. Họ xây dựng cho mình những giá trị mà bản thân họ nghĩ là đúng. Nó thể hiện quan điểm cá nhân của họ đối với tất cả các sự vật, hiện tưởng xảy ra xung quanh. Những người có cái Tôi quá lớn sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp thu những giá trị mà người khác trao tặng cho bạn bởi trong suy nghĩ của họ rất khó có thể thay đổi theo cách nghĩ nào đó khác mà bản thân đã được mặc định sẵn.

Trong một tổ chức cũng vậy, họ đều có những quy định, cách thức vận hành và quy tắc riêng. Bạn cần phải điều khiển cái Tôi của bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh đang xảy ra của mình. Việc hạ thấp cái Tôi của bản thân để phù hợp với doanh nghiệp không có điều gì là xấu (Còn nếu bạn cho là xấu thì tốt nhất không nên làm việc cho doanh nghiệp đó). Quyết định luôn là sự lựa chọn của bạn.

2. Duy trì thói quen cũ, ngại sự thay đổi

Khi bạn đang ở trong một môi trường nào đó quá lâu, bạn đã quen với cách hành xử, làm việc hay hoạt động ở nơi đó và bạn không hề muốn thay đổi những điều này khi bạn phải sang 1 nơi mới. Chính những điều này trong suy nghĩ của bạn đã hạn chế khả năng thích nghi và điều đó sẽ khiến cho bạn lạc lõng trong chính nơi ở, làm việc của bạn.

3. Chưa xác lập được mục tiêu rõ ràng trong môi trường mới

Chính vì bạn đang còn mông lung, chưa có một định hướng rõ ràng khi làm việc ở môi trường mới nên điều đó làm giảm đi động lực, sức mạnh của bạn trong quá trình phấn đấu. Bạn không có đủ quyết tâm mạnh mẽ để vượt qua các thử thách của công việc đặt ra.

4. Nói giỏi hơn làm

Bạn là người giao tiếp tốt, trình bày lưu loát, mạch lạc và thuyết phục người nghe. Tuy nhiên, bạn lại không thể biến những điều đó thành hành động thực tế. Bạn dễ dàng đưa ra 1 phán xét đối với người khác những lại vụng về trong khi thực hiện công việc của mình.

5. Không hiểu cấp trên của bạn

Trước khi thành 1 nhà quản lý giỏi, bạn phải là một nhân viên tốt. Việc bạn không lắng nghe ý kiến của cấp trên hay góp ý của họ trong công việc là yếu tố cản trở bạn hoàn thành công việc. Có thể bạn cho rằng bản thân có trình độ, tư duy hay nhận thức tốt hơn so với người đó. Nhưng bạn đừng quên, ở thời điểm hiện tại Người đó mới chính là sếp của bạn.

Nếu bạn muốn được làm theo ý mình thì điều kiện cần đầu tiên đó là bạn là sếp.

6. Đổ lỗi

Khi bạn không hoàn thành công việc hay mắc lỗi, bạn luôn tìm ra được rất nhiều lý do để bao biện và giải thích cho việc đó. Bạn mong người khác thông cảm và hiểu cho những khó khăn của bạn.... Chính những suy nghĩ này làm cho bạn không bao giờ tìm được những hướng khắc phục, cách giải quyết dứt điểm cho những sự việc xảy ra. Vì đơn giản, bạn không cho rằng mình có trách nhiệm trong đó.

Hi vọng rằng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn tránh không lặp lại những điều tồi tệ có thể xảy đến khi làm việc ở một tổ chức mới.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét