Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Vùng An Toàn - Rào Cản Của Sự Đột Phá

Tôi có tham gia một lớp về thay đổi thói quen, hành vi trong quá khứ để sáng tạo ra tương lai mới. Trong quá trình học có 1 khái niệm mà Tôi thấy vô cùng thú vị và muốn chia sẻ cùng mọi người. Đó là "Vùng An Toàn".

Bạn xác định "vùng an toàn" như thế nào?

Trong mỗi người chúng ta đều tồn tại những vùng an toàn của riêng bản thân mình. Ở trong vùng an toàn đó, chúng ta cảm thấy được thoải mái, không tồn tại lo lắng hay áp lực nào đè nén bản thân. Nó giống như khi bạn ở cùng gia đình, vùng an toàn của bạn chính là gia đình của bạn. Đến khi bạn trúng tuyển ĐH/CĐ... phải đi học xa nhà đối diện với nhiều vấn đề lo toan trong cuộc sống bạn thấy lo lắng, băn khoăn, sợ hãi... Nguyên do bởi chúng ta đã thoát ra khỏi vùng an toàn của mình... hay khi chúng ta ngồi 4 năm trên giảng đường ĐH, chúng ta cảm thấy không cần quá lo lắng vì công việc, cuộc sống... vì lúc đó chúng ta đang còn sự quan tâm và lo lắng của gia đình. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp xong và bắt đầu đi tìm kiếm việc làm, đã có rất nhiều người rơi vào trầm cảm vì không thể thích ứng được với sự thay đổi đó (Hay nói cách khác là khi chúng ta thoát ra khỏi vùng an toàn mà mình thiết lập).

Nếu chúng ta để ý hơn 1 chút trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đều xây dựng cho mình những vùng an toàn riêng của bản thân. Ví dụ như:

- Đi học bạn hay ngồi tại 1 vị trí cố định vì đó là vùng an toàn của bạn,

- Đến các buổi tiệc chúng ta hay tìm những người bạn mà mình biết để đứng chung vì đó là vùng an toàn của chúng ta...

Chính vì suy nghĩ bị giới hạn trong "vùng an toàn" cho nên chúng ta đánh mất đi rất nhiều cơ hội để đột phá bản thân, khai thác thêm nhiều thế mạnh của mình. Và đôi khi chúng ta bị hạn chế trong vùng an toàn khá lâu nên không thể kịp thời thích nghi với những sự thay đổi đó.

Vậy những nguyên nhân khiến chúng ta lúc nào cũng muốn trốn trong vùng an toàn đó. Theo Tôi có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1. Không đủ năng lực, kiến thức chuyên môn để thay đổi hiện tại.

2. Không đủ quyết tâm và sự tự tin để thay đổi.

3. Đam mê trong bạn chưa đủ để bạn có thể chấp nhận đánh đổi công việc hiện tại.

4. Chưa có "biến cố" nào đó tác động đến suy nghĩ của bạn. Bạn đang cảm thấy khá an toàn trong cuộc sống hiện tại. Vì vậy, bạn chưa cần thay đổi.

5. Chúng ta "sợ" thay đổi.

Vậy làm cách nào chúng ta có thể đột phá "vùng an toàn" và hướng tới những thành công cao hơn trong tương lai:

1. Đủ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn để hướng tới mục tiêu mình lựa chọn và sẵn sàng thay đổi khi có cơ hội. Bản thân phải tự cường.

2. Đủ quyết tâm, mong muốn thay đổi.

3. Tìm động lực đủ lớn để chiến thắng nỗi sợ hãi bạn gặp phải khi thay đổi.

4. Sẵn sàng chấp nhận rủi ro xảy đến khi quyết định thay đổi.

Andrew Matthews có một cuốn sách rất hay với tựa đề "Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi". Chúc bạn sẽ sớm đột phá vùng an toàn của mình và chinh phục nhiều thử thách mới trong tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét