Một thực trạng hiện nay của các bạn sinh viên đó là không có kinh nghiệm sau khi ra trường. Đa số các công việc mà các bạn làm trong thời gian còn sinh viên là: Gia sư, phục vụ bàn, nhân viên nhận Order, bán quần áo...Những kinh nghiệm tích lũy thời gian này sẽ rất khó dùng cho việc phỏng vấn xin việc sau khi ra trường.
Vậy làm cách nào để chúng ta có thêm hành trang vững bước khi ra trường tìm kiếm công việc. Theo ý kiến cá nhân Tôi, bạn cần tận dụng thật tốt thời gian thực tập của bạn ở năm cuối khóa. Do năm cuối khóa là khoảng thời gian mà việc học kiến thức chuyên môn sẽ giảm xuống và yêu cầu đòi hỏi về kiến thức thực tế nhiều hơn. Lúc này, bạn bắt đầu tiếp xúc với sự khắc nghiệt của môi trường làm việc thực tế tại các công ty. Chính vì vậy, nếu bạn sử dụng tốt khoảng thời gian này, nó sẽ là bước đệm tốt cho bạn khi ra trường tìm kiếm được một công việc ưng ý.
Trong thời gian làm nhân sự và tham gia phỏng vấn rất nhiều ứng viên là sinh viên. Tôi nhận thấy một điều quan trọng là có một bộ phận không nhỏ sinh viên cho rằng quá trình thực tập không quan trọng, nơi bạn đăng ký thực tập chỉ để lấy dấu hay làm báo cáo thực tập tốt nghiệp hay nếu tham gia thực tập hay làm việc ở công ty nào đó, bạn phải được trả thù lao hay tưởng thưởng bằng 1 khoản thu nhập xứng đáng với đóng góp của bạn. Tuy nhiện sự thật rõ ràng bạn chẳng đóng góp được gì cho tổ chức hay doanh nghiệp cả. Chính những suy nghĩ này đã định hình việc tìm kiếm hay đăng ký nơi thực tập của các bạn. Và rồi kết quả cuối cùng là bạn không học được gì từ quá trình thực tập.
Hiện nay, có rất nhiều công ty, tổ chức có mong muốn nhận thực tập sinh như: FPT, Thế giới di động, CMC... có rất nhiều trang Web việc làm chuyên đăng các thông tin về tuyển dụng thực tập như: internship.edu.vn; vieclam.24h.com.vn... Hay các chương trình tuyển dụng Quản trị viên tập sự tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Pepsi, Unilever, Prudential, Khatoco Khánh Hòa... Chính vì vậy, cơ hội dành đến cho các bạn rất nhiều.
Trong quá trình thực tập của các bạn, đồng ý rằng có nhiều công ty sẽ không cho bạn tiếp xúc với những thông tin nội bộ hay các Anh/Chị đồng nghiệp cùng phòng sẽ không có thời gian để hướng dẫn các bạn kiến thức thực tế. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể ngăn cản khả năng tìm tòi và tự học hỏi của chính bản thân bạn trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp. Khi bạn đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ của mình vào công việc thì Tôi tin rằng kết quả sẽ hiện ra.
Sau khi bạn đã thay đổi nhận thức về quá trình thực tập và nghiêm túc tìm kiếm một công việc để trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp thì việc bắt tay vào thực hiện như thế nào cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sau này. Tôi đã gặp một số bạn sinh viên nói rằng mình đã hoàn thành tốt giai đoạn thực tập tại công ty, thu về được rất nhiều kiến thức thực tế để đáp ứng công việc đang ứng tuyển... Nhưng Tôi muốn chỉ ra cho các bạn thấy một điều, việc bạn LÀM TỐT khác hoàn toàn với việc bạn làm HIỆU QUẢ.
Ví dụ 1: Trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp X sinh viên A khẳng định kỹ năng giao tiếp của mình đã thay đổi hoàn toàn và nâng cấp lên 1 cấp bậc mới. Bạn nói rằng, bạn đã giao tiếp không còn bị vấp, không còn mất tự tin trước đám đông...Chính vì vậy, bạn hoàn toàn phù hợp tiêu chí đặt ra ở kỹ năng giao tiếp vị trí đào tạo. Sau khi nghe bạn nói, Tôi đánh giá mức độ kỹ năng giao tiếp của bạn đang ở mức độ tốt nhưng chưa hiệu quả. Bởi hiệu quả là thông qua giao tiếp bạn sẽ truyền sự nhiệt huyết, máu lửa cho người khác, thông qua giao tiếp có thể thuyết phục và dẫn dắt người khác đi đến thành công. Đây là điều bạn chưa thể hiện được (Cái hồn trong giao tiếp) dù chỉ 1 chút.
Ví dụ 2: Một bạn sinh viên thực tập vị trí Tuyển dụng ở công ty Y, bạn nói rằng đã nắm bắt được hết quy trình tuyển dụng của công, cách đặt câu hỏi và đánh giá ứng viên, cách đăng tin tuyển dụng... Sau khi nghe bạn trình bày, Tôi kết luận bạn đã nắm bắt tốt về quy trình tuyển dụng nhưng chưa hiệu quả.
- Bạn biết cách đăng tin tuyển dụng nhưng chưa biết tạo ra nội dung nổi bật hay điểm đặc biệt nào đó để thu hút ứng viên.
- Bạn biết cách đặt câu hỏi và đánh giá ứng viên nhưng 10 người bạn phỏng vấn đạt vòng 1 và chuyển vào vòng 2 thì NTD chỉ chọn được 2 người (Đạt 20%)
=> Chính vì vậy, rõ ràng bạn nắm vững về quy trình tuyển dụng nhưng bạn chưa vận hành một cách hiệu quả. Trong khi, điều mà NTD mong muốn ở ứng viên đó là sự HIỆU QUẢ trong công việc. Chính vì vậy, trong quá trình thực tập bạn cần hiểu và tách bạch được bạn đang làm việc tốt hay đang làm hiệu quả.
Trên đây là những suy nghĩ của bản thân về tầm quan trọng của thời gian thực tập. Hi vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho các bạn sinh viên định hướng công việc trong những năm cuối khóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét