Chào các bạn,
Là một người làm nhân sự được tiếp xúc với rất nhiều các bạn sinh viên, bản thân Tôi cảm thấy vui mừng khi rất nhiều bạn sinh viên đã biết suy nghĩ cho tương lai, công việc và cuộc sống. Các bạn đã biết hoạch định các kế hoạch của cá nhân và con đường phát triển phía trước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không hề nhỏ các bạn sinh viên đang có một vài thói quen xấu và ảo tưởng rất lớn về bản thân mình. Trong bài viết này, Tôi sẽ chỉ ra cho các bạn một số vấn đề mà bản thân nhận thấy khi tiếp xúc với bộ phận những con người này.
Ảo tưởng 1: Những năm sinh viên chỉ cần làm những công việc mùa vụ, partime không đòi hỏi kỹ năng và sự tư duy hoặc cần tập trung vào học còn kiến thức thực tế sau này ra trường sẽ tích lũy thêm.
Hiện nay, một trong những khó khăn dành cho các bạn sinh viên mới ra trường khi đi xin việc là việc thiếu kinh nghiệm và kiến thức thực tế ở vị trí tuyển dụng. Đồng thời, những phẩm chất, kỹ năng cần thiết dành cho ứng viên mà NTD yêu cầu cũng là một điểm hạn chế khả năng thành công khi các bạn đi phỏng vấn.
Chính vì vậy, việc tiếp xúc với kiến thức thực tế ngay từ khi ngồi trên nghế nhà trường sẽ giúp chúng ta tư duy và hình dung ra được công việc của mình. So sánh giữ kiến thức học và những đòi hỏi mà xã hội đang cần. Từ đó giúp các bạn chuẩn bị được những yếu tố cần thiết để phù hợp với công việc mà mình định hướng sau này.
Ảo tưởng 2: Bằng cấp là điều kiện tiên quyết, quyết định 1 công việc tốt.
Tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn sinh viên đến từ rất nhiều trường ĐH/CĐ/TH như: Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Quốc gia, Điện lực, Văn hóa, Công đoàn, Thủy lợi, Kinh doanh - Công nghệ...Tôi nhận thấy, Trường học chỉ là nơi cung cấp cho các bạn môi trường học tập và nghiên cứu, còn việc phát triển đạt được ở mức độ nào thì lại phụ thuộc vào tiềm năng của từng cá nhân.
Tôi đã gặp nhiều bạn sinh viên Ngoại thương có thể giao tiếp Tiếng Anh tốt nhưng lại không thể hoàn thành phần tự giới thiệu về bản thân một cách hoàn chỉnh; Hay những bạn chỉ học Trung cấp nghề nhưng lại có kiến thức thực tế và khả năng nắm bắt công việc nhanh gấp đôi những người tốt nghiệp ĐH... Chính vì vậy, ý kiến cá nhân Tôi cho rằng, Bằng cấp chỉ là một tờ giấy thông hành giúp bạn đi qua cửa "hải quan - Xét duyệt hồ sơ" chứ không quyết định nhiều đến việc bạn trúng tuyển hay không.
Hiện nay, bạn hoàn toàn có thể vượt qua vòng xét duyệt hồ sơ một cách dễ dàng nếu bạn có 1 bản CV chuyên nghiệp (Các bạn tham khảo cách viết CV qua bài viết Cách Viết CV Hiệu Qủa) hay tạo ra ấn tượng tốt với NTD ( Các bạn tham khảo Những Cách Gây Ấn Tượng Với Nhà Tuyển Dụng (NTD))
Ảo tưởng 3: Mình được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp nên cần được sắp xếp những công việc hợp lý, tạo điều kiện hết sức để phát huy khả năng của bản thân và mang về hiệu quả cho công ty.
Xin thưa với các bạn, đến ngay cả những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... vẫn còn tình trạng "Ma cũ bắt nạt ma mới" thì chắc chắn điều này sẽ không thể tránh khỏi khi các bạn bắt đầu công việc ở đất nước chúng ta.
Ban đầu, khi bạn mới bắt đầu làm việc tại công ty thì hãy bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất và hãy vui mừng khi được các vị "tiền bối tin tưởng nhờ vả". Điều này sẽ giúp các bạn hòa nhập nhanh hơn với môi trường làm việc mới và những người đồng nghiệp vui tính.
4. Ảo tưởng 4: NTD sẽ đánh giá cao một sinh viên tự tin và hiểu biết hầu hết các công việc mà công ty đang cần.
Việc thể hiện phong thái luôn luôn tự tin và bản lĩnh mạnh mẽ trước NTD là điều cần thiết để bạn ghi điểm trong mắt NTD nhưng đôi khi cách thể hiện thái quá của bạn lại khiến cho NTD đánh giá bạn thiếu khả năng học hỏi và sự điềm đạm trong công việc. Chẳng có ai thích tuyển một người lúc nào cũng biết hết, biết tuốt... nhưng thực chất lại không hiểu gì về doanh nghiệp mà bạn đang ứng tuyển. Có thể bạn được đào tạo và nghiên cứu trong một môi trường vô cùng tốt, được trải nghiệm công việc thực tế nhiều và có kiến thức khá sâu ở vị trí mà bạn nộp đơn tuyển dụng. Tuy nhiên, mỗi một doanh nghiệp họ lại yêu cầu ở nhân viên của mình những phẩm chất, điều kiện và yêu cầu khác nhau.
Hi vọng rằng với những chia sẻ trên, sẽ giúp ích cho một số bạn sinh viên trong vấn đề điều chỉnh các hành vi và thói quen xấu.
Chúc các bạn thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét