Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Tuyển Dụng - Cuộc Thỏa Thuận Mua Bán giữa NTD Và Ứng Viên

Chào các bạn,

Thời gian vừa qua, Tôi có nhận được rất nhiều câu hỏi, nhiều sự thắc mắc của các bạn khi đi phỏng vấn tuyển dụng ở nhiều công ty. Các câu hỏi đó đại loại như:

 Tại sao Anh/Chị/Em đã có sự chuẩn bị chu đáo cho buổi phỏng vấn nhưng vẫn bị trượt?

Tại sao Mình có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực này nhiều năm và trả lời được tất cả các câu hỏi của NTD vẫn bị trượt?

Tại sao Em ngoại hình tốt, tốt nghiệp Đại học mà lại trượt phỏng vấn ở vị trí bán hàng?
....

Vậy vấn đề ở đây là gì? Phải chăng NTD không đủ trình độ để đánh giá ứng viên đạt, không đạt, xứng đáng hay không xứng đáng.... Hay chính bản thân bạn đã tự đánh mất đi cơ hội của chính mình mà không biết.

Đúc rút từ quá trình làm nhân sự của mình, bản thân Tôi nhận thấy, bản chất của Tuyển dụng thực ra là một cuộc trao đổi giữa người bán và người mua (Nói cách khác là giữa ứng viên và công ty mà đại diện ở đây là P. Nhân sự). NTD đóng vai trò là người mua hàng và bạn (Ứng viên) đóng vai trò là người bán hàng.

Vậy hàng hóa để bán của bạn bao gồm những gì? Đó chính là trình độ học vấn, bằng cấp, kinh nghiệm, khả năng, kỹ năng, trình độ Tiếng Anh... của chính bạn. NTD sẽ đánh giá bạn dựa trên những vốn hàng đó để xem bạn có phù hợp với vị trí mà công ty họ đang cần hay không.

Nguyên tắc trong mua bán dựa trên sự thỏa thuận của hai bên. Chính vì vậy, trong quá trình tuyển dụng, hãy đừng bao giờ tỏ ra bi quan hay thất vọng khi cảm thấy yêu cầu công việc quá cao so với bản thân bạn hay trình độ, bằng cấp, kinh nghiệm của bạn không phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Hãy luôn nhớ rằng, để tư vấn thành công sản phẩm, điều đầu tiên chính bạn phải thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm mà mình đang có và sau đó mới thuyết phục được người mua sử dụng sản phẩm của bạn.

Mục đích của người mua trong cuộc trao đổi chính là tìm được sản phẩm ưng ý nhất. Ví dụ bạn cần 1 loại quả để đắp mặt, cùng bằng giá 5 đồng cho 2 sản phẩm dưa chuột và dưa hấu, Bạn sẽ chọn sản phẩm nào? Tất nhiên do mục đích sử dụng nên bạn chỉ chọn quả dưa chuột trong trường hợp này. Điều này lý giải tại sao trong một số trường hợp khi bạn đi phỏng vấn, mặc dù trình độ, bằng cấp, kinh nghiệm của bạn đều vượt xa so với yêu cầu công việc nhưng bạn vẫn trượt. Đó chính là vì bạn đã không hiểu rõ về nhu cầu, mục đích sử dụng của người mua hàng để rao bán sản phẩm (Trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng...) phù hợp.

Vậy làm cách nào để xác định rõ nhu cầu, mục đích của người mua (NTD) trong trường hợp này để chúng ta thể hiện.

Điều đầu tiên theo Tôi, đó là bạn phải thực sự hiểu rõ về mô tả công việc mà công ty đang cần. Những yêu cầu này, bạn đã đáp ứng được hay chưa. Rồi thông qua các mối quan hệ, tìm hiểu trên mạng... để biết thêm về những nhiệm vụ mà vị trí này có thể đảm nhận trong quá trình làm việc tại công ty. Từ đó, Bạn sẽ hiểu được mục đích khi họ tuyển dụng bạn vào công ty.

Điều thứ hai, bạn cần hiểu rõ NTD  đang yêu cầu 1 con người như thế nào ở vị trí này: Trình độ như thế nào? Cần các kỹ năng gì? Am hiểu về lĩnh vực nào?... Nếu bạn chưa có đầy đủ những yếu tố đó, hãy ngay lập tức bổ sung và học hỏi. Còn nếu bạn có những yếu tố vượt quá yêu cầu này, hãy điều chỉnh lên xuống cho phù hợp với yêu cầu công việc (NTD sẽ không mua một con dao mổ trâu về để cắt tiết gà đâu nhé).

Sau khi bạn đã biết rõ về nhu cầu của NTD thì vấn đề còn lại là quá trình thuyết phục người mua sử dụng sản phẩm của bạn. Tôi sẽ có 1 bài chia sẻ về nghệ thuật giao tiếp trong thời gian tới để giúp các bạn có thể truyền tải rõ ràng những thông điệp về sản phẩm (Kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng...) của bạn đến NTD.

Và điểm lưu ý cuối cùng ở cuộc mua bán và thỏa thuận trong quá trình tuyển dụng này chính là việc người mua bao giờ cũng mong muốn mua 1 sản phẩm với giá thành phải chăng nhưng có nhiều tính năng tốt và sử dụng lâu dài.

Chính vì vậy, bạn cần thể hiện trong cuộc phỏng vấn về những tiềm năng của bạn, những lợi ích mà bạn mang về cho công ty, những nhiệm vụ khác bạn có thể làm được mà không có trong bản mô tả công việc nhưng giúp ích cho bộ phận và phòng ban của bạn... Đồng thời, bạn cần phải có thêm sự ngưỡng mộ (Có thể về các thành tích mà công ty đạt được, lĩnh vực mà công ty đang kinh doanh....) và sự trung thành dành cho tổ chức - Nơi mà bạn đang ứng tuyển.

Tóm lại, để vượt qua được quá trình tuyển dụng của công ty, là người chiến thắng trong cuộc thỏa thuận mua bán giữ ứng viên và NTD. Bạn cần nhớ 4 nguyên tắc sau:

Nguyễn tắc 1: Hãy tin vào sản phẩm mình bán - Tức là tin vào khả năng của chính bạn.

Nguyên tắc 2: Hiểu rõ nhu cầu, mục đích sử dụng của người mua - Hiểu rõ NTD đang cần gì ở bạn

Nguyên tắc 3: Giao tiếp hiệu quả - Thuyết phục NTD thông qua ngôn ngữ.

Nguyên tắc 4: Bạn có tiềm năng phát triển và cam kết gắn bó lâu dài với tổ chức.



Chúc các bạn thành công.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét