Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Tôi Đã Chiến Thắng Nhà Tuyển Dụng (NTD) Như Thế Nào Trong Lần Đầu Tiên Phỏng Vấn?

Chào các bạn,

Một trong những điều mà Tôi ghi nhận được trong suốt 4 năm làm công tác nhân sự tiếp xúc với cả hàng nghìn ứng viên. Đó là thiếu đi SỰ TỰ TIN của các bạn khi tham gia ứng tuyển hay phỏng vấn.

Sự tự tin ở đây không phải là thái độ kiêu ngạo, coi trời bằng vung, tự cho mình là người giỏi nhất mà đó là sự tìm tòi, am hiểu công việc mà bạn hướng tới, sự rèn luyện nghiêm khắc trong các thử thách trước mỗi buổi phỏng vấn và thái độ ham học hỏi của bạn.

Tôi mời các bạn tham khảo câu chuyện và những bài học Tôi nhận được trong lần phỏng vấn đầu tiên của mình khi mới ra trường.

Tôi học chuyên ngành Quản trị nhân lực tại trường Đại học Lao động - Xã hội niên khóa 2006 - 2010. Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại ưu trong tay và chưa hề có bất kỳ một sự định hướng nào về nghề nghiệp. Tôi bắt đầu công cuộc tìm hiểu và nghiên cứu những công việc mà mình có thể làm khi tốt nghiệp, một câu hỏi đặt ra trong Tôi: Tiếp tục theo đuổi chuyên ngành mà mình đã học hay lựa chọn 1 công việc khác phù hợp hơn ở giai đoạn hiện tại? Nếu theo đuổi chuyên ngành mình học, cơ hội thành công chỉ có 10% (Vì theo tìm hiểu của Tôi, công việc nhân sự đòi hỏi kinh nghiệm làm việc, tuổi đời và cả những sự trải nghiệm trong cuộc sống... Đây là những điều mà tôi chưa hề có) còn nếu xin 1 công việc tạm thời như Nhân viên kinh doanh tại đâu đó, mức độ thành công sẽ được nâng lên thành 50%. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Tôi quyết định đi tìm một công việc đúng chuyên ngành mình học dù biết rằng nó sẽ vô cùng khó khăn.

Bài học 1: Bạn phải có sự quyết tâm và kiên trì với mục tiêu mình theo đuổi.

Tôi định hướng mình sẽ xin vào làm nhân sự ở 1 công ty nào đó, có thể làm 1 trong 2 mảng tuyển dụng, đào tạo. Đây là 2 lĩnh vực mà Tôi yêu thích nhất cho đến tận bây giờ.

Bài học 2: Bạn phải xác định được công việc mà mình mong muốn, định hướng 1 cách rõ ràng (Điều này giúp bạn thu hẹp phạm vi tìm kiếm và tăng cơ hội lựa chọn được công việc) và thực sự yêu thích nó.

Sau đó, Tôi đọc được thông tin tuyển dụng vị trí "Chuyên viên Tuyển dụng" tại Công ty XXX (Đây là một công ty lớn xếp thứ 71 trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam thời điểm đó) là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ thiết bị công nghệ. Đọc yêu cầu ở vị trí tuyển dụng mà thất vọng tràn trề: "Độ tuổi từ 24 trở lên, tốt nghiệp ĐH chuyên ngành quản trị nhân sự, kinh tế, thương mại... có 2 năm kinh nghiệm ở vị trí tương đương. Ưu tiên những người trong lĩnh vực bán lẻ....". Tuy không đạt so với điều kiện đề ra, nhưng Tôi vẫn quyết tâm nộp hồ sơ và hồi hộp chờ đợi điện thoại từ NTD. Tôi tin rằng với cách trình bày CV của minhfm Tôi sẽ được gọi (Bạn có thể tham khảo cách viết CV trong mục mà Tôi đã trình bày Cách Viết CV Hiệu Qủa). Sau hơn 1 tuần chờ đợi, cuối cùng Tôi cũng nhận được điện thoại mời phỏng vấn từ phía công ty XXX vào 2 ngày sau.

Tôi bắt đầu vào Web để tìm hiểu các thông tin về công ty: Lịch sử hình thành, tầm nhìn, lĩnh vực kinh doanh... rồi đọc đi đọc lại yêu cầu về công việc tuyển dụng. Và để chuẩn bị tốt hơn cho buổi phỏng vấn, Tôi quyết định đến 1 chi nhánh của công ty để mua hàng (Một món sản phẩm giá trị rất nhỏ), trải nghiệm môi trường làm việc, hiểu rõ cách phục vụ khách hàng, con người và sản phẩm mà công ty đang kinh doanh...

Bài học 3: Bạn cần phải hiểu rõ về công ty mà mình ứng tuyển. Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng.

Tôi tự tin khi đến tham gia phỏng vấn trong trang phục áo sơ mi + quần tây + giầy đen. Đón tiếp và phỏng vấn tôi là 1 Anh trông khá trẻ. Anh có nụ cười dễ mến và khá thân thiện. Cuộc trò chuyện diễn ra nhanh chóng trong vòng 8 - 10 phút với các thông tin trao đổi về công ty, về công việc mà tôi ứng tuyển (Vì còn khá nhiều ứng viên). Đây là những thông tin Tôi đã tìm hiểu trước đó. Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, Tôi có kể Anh nghe về sản phẩm mà Tôi mua tại công ty và có nhã ý muốn xin SĐT của Anh để liên lạc nếu sản phẩm có vấn đề. Anh vui vẻ chấp nhận và chúng tôi trao đổi SĐT cho nhau. Kết thúc vòng 1 của buổi phỏng vấn với lời hẹn, công ty sẽ liên hệ trong vòng từ 3 - 5 ngày nếu hồ sơ của Tôi đạt.

Bài học 4.1: Bạn phải xuất hiện trong buổi phỏng vấn cùng với NTD một cách chuyên nghiệp nhất. Các bạn tham khảo Bạn Xuất Hiện Trước Nhà Tuyển Dụng Như Thế Nào?
Bài học 4.2: Bạn phải biết cách gây ấn tượng với NTD để họ có thể nhớ đến bạn trong hàng trăm ứng viên. Tôi sẽ có 1 bài trình bày về cách gây ấn tượng với NTD trong 1 bài khác.

Bước sang ngày thứ 4 sau buổi phỏng vấn lần 1, Tôi được gọi từ phía công ty thông báo đã vượt qua vòng 1 và sẽ tiếp tục vào vòng 2 phỏng vấn cùng với Trưởng phòng Nhân sự sau 2 ngày nữa. Vừa mừng, vừa lo không biết nội dung của cuộc phỏng vấn sẽ ra sao, rồi câu hỏi liệu NTD có chú ý đến tuổi tác và số 0 năm kinh nghiệm của mình hay không?

Tôi quyết định dựa vào 6 tháng thực tập và làm việc tại 1 công ty trước khi ra trường để làm thế mạnh của mình. Tôi cẩn thận sắp xếp lại tất cả các kiến thức mà mình đã được trãi nghiệm trong 6 tháng qua về: Tuyển dụng, về luật lao động, luật bảo hiểm xã hội...

Bài học số 5: Hãy biến thời gian thực tập của bạn thành kinh nghiệm làm việc của bạn. Tôi sẽ có 1 bài trình bày về kinh nghiệm trong thời gian đi thực tập sau cho các bạn.

Buổi phỏng vấn diễn ra trong vòng 1h đồng hồ với rất nhiều câu hỏi liên quan đến chuyên ngành, công việc thực tế như: Quy trình tuyển dụng ở 1 công ty ra sao, cách đăng tin tuyển dụng như thế nào để thu hút ứng viên, chế độ thai sản của người lao động.... Trong buổi phỏng vấn, tôi tự tin trả lời được 85% câu hỏi của Anh Trưởng phòng và số còn lại, Tôi xin lỗi Anh vì mình chưa kịp tìm hiểu và xin phép trả lời Anh sau nếu chúng tôi có thể gặp nhau tiếp trong thời gian tới.

Bài học số 6: Hãy thẳng thắn, trung thực và dứt khoát trong quá trình phỏng vấn. NTD thừa thông minh để xác định vấn đề bạn trả lời là đúng hay sai, là biết hay không biết.

Kết thúc vòng 2 được 3 ngày, Tôi tiếp tục được mời đến tham gia 1 buổi thi trình bày bằng Slide với đề tài tự chọn với hội đồng giám khảo là 4 người chấm điểm (Trong đó có Anh Trưởng phòng phỏng vấn vòng 2). Bản thân tôi sau khi nghe thông báo đã rất mất tự tin vì Tôi mới chỉ 1 lần đứng thuyết trình Slide trước hội đồng giám khảo (Những người sẽ chú ý đến từng cử chỉ, lời nói của Tôi) trong lần bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Chính vì vậy, Tôi lao vào chuẩn bị Slide và luyện tập khả năng giao tiếp. Nào là đứng trước gương trình bày một mình, rồi nhờ nhóm bạn đứng dưới lắng nghe và nhận xét Tôi khi trình bày....

Bài học số 7: Liên tục rèn luyện những điểm còn thiếu xót và không ngừng nỗ lực bù đắp điểm yếu để bạn phù hợp với yêu cầu công việc. Hãy cho NTD thấy bạn đang trưởng thành lên theo thời gian.

Và với sự chuẩn bị chu đáo của mình, Tôi đã hoàn thành xong bài trình bày một cách xuất sắc (Theo như bản thân Tôi nhận định). Tôi ra về mà trong lòng rất thanh thản, bởi bản thân Tôi đã cố gắng hết sức. Thời gian chờ đợi kéo dài đến hơn 1 tuần. Tôi nhận được thông báo của P. Nhân sự là đến gặp Anh Giám đốc để nói chuyện lần cuối.

Trong cuộc gặp, Sau quá trình giới thiệu bản thân và chào hỏi thông thường. Anh hỏi Tôi 2 câu:

Câu 1: Em tốt nghiệp trường nào?

Và Tôi đã trả lời: Em là sinh viên trường ĐH Lao động - Xã hội tốt nghiệp khóa Đ2 năm 2010. Trường Em có 4 khoa: Quản trị nhân lực, Bảo hiểm, Kế toán và Công tác xã hội. Trong đó, Quản trị nhân lực là ngành đào tạo thế mạnh của trường. Chất lượng đào tạo không hề thua kém so với các trường hàng đầu trong đào tạo chuyên ngành về Nhân sự như: Kinh tế quốc dân, khoa học xã hội và nhân văn.

Bài học số 8: Hãy luôn tự hào khi nói về gia đình (Bố, mẹ, Anh, Em...), về quê quán (Tôi sinh ra ở Thanh Hóa) và nơi đã đào tạo mình (Trường ĐH Lao động Xã hội được rất ít người biết đến).

Câu 2: Em là một người trẻ ứng tuyển vào vị trí đòi hỏi kinh nghiệm làm việc và sự trải nghiệm thực tế cuộc sống. Em nghĩ mình có thể làm tốt được công việc này hay không?

Và Tôi trả lời: Nếu bạn quan tâm tới câu trả lời của Tôi, vui lòng gửi yêu cầu vào Email: nhatlong1412@gmail.com. Tôi sẽ phản hồi cho riêng bạn nhé.

Kết thúc gần 3 tuần phỏng vấn ở vị trí "Chuyên viên Tuyển dụng" chiến thắng gần 100 ứng viên để đi đến thắng lợi cuối cùng. Tôi đã được nhận vào công ty và làm việc mà mình yêu thích ngay trong lần phỏng vấn đầu tiên.

Trên đây là câu chuyện của Tôi về quá trình phỏng vấn và những bài học Tôi rút ra được. Rất mong điều này sẽ giúp ích được cho các bạn.


Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Bạn Xuất Hiện Trước Nhà Tuyển Dụng Như Thế Nào?

Chào các bạn,

Với đặc thù trong công việc nhân sự hàng ngày phải tiếp xúc với cả trăm người đến tìm việc, phỏng vấn hay hỏi thông tin tuyển dụng (Phần đông là các bạn sinh viên mới tốt nghiệp). Bản thân Tôi khẳng định một điều, chúng ta chẳng ai xấu, chỉ là chúng ta không muốn làm mình đẹp lên hoặc không biết cách làm mình đẹp lên. Trong khuôn khổ bài viết này, Tôi chỉ nói về Nhan sắc - Tức vẻ bề ngoài (Chứ không hề liên quan đến vẻ đẹp bên trong nhé).

Chúng ta có nhiều cách hiểu về ngoại hình đẹp mắt như: Mặt trái soan, mũi dọc dừa, môi anh đào chúm chím, mắt bồ câu, lông mày lá liễu, chân dài 1m2, ba vòng số đo chuẩn không cần chỉnh và còn nhiều nhiều tiêu chuẩn khác nữa. Vậy bản thân bạn có lo lắng khi mình không có những điều này không?

Một trong những lỗi rất lớn của Nhà tuyển dụng (Biết nhưng đôi khi vẫn bị lừa) đó là quyết định tuyển dụng dựa trên cảm tính và một yếu tố tác động đến yếu tố cảm tính đó là những ấn tượng đầu tiên về ứng viên trong đó có vấn đề NHAN SẮC. Có những trường hợp ứng viên Tôi đã gặp, bạn ứng tuyển vào công việc bán hàng - Công việc liên quan đến tiếp xúc khách hàng mà đầu tóc lem nhem, móng tay vừa dài lại có màu đen... hay những trường hợp ứng tuyển ở một số vị trí khối văn phòng, đi phỏng vấn thì áo thun trễ ngực (Cái này hơi nhức mắt), quần bò rách kiểu cách...Có thể bạn là một người năng lực rất tốt, thông minh và hoàn toàn phù hợp với vị trí mà công ty yêu cầu nhưng những điểm trừ như trên sẽ làm giảm đi khả năng trúng tuyển của chính bạn. Có thể bạn đánh giá, Nhà tuyển dụng này không tinh ý, không nhận thức hết khả năng của bạn... Nhưng có bao giờ bạn nghĩ ngược lại chính bạn là người gián tiếp tạo ra điều đó hay không.

Vậy để tỏa sáng nhan sắc của bạn trước Nhà tuyển dụng, tăng thêm % cơ hội được trúng tuyển (Tôi chỉ nói là tăng thêm % nhé vì còn rất nhiều yếu tố khác liên quan đến quyết định tuyển dụng). Tôi nghĩ chúng ta cần chú ý đến những điểm sau:

1. Trang điểm trước khi đến phỏng vấn.

Một yếu tố không mới nhưng vẫn còn rất nhiều bạn (Nhất là các bạn trẻ) không hề chú ý đến điều này: Có thể vì ngại thể hiện, có thể vì không biết cách trang điểm hoặc không có thời gian để trang điểm trước cuộc phỏng vấn... Chẳng có gì là xấu khi bạn làm cho mình đẹp lên và che dấu các khuyết điểm trên khuôn mặt của bạn cả: mặt có vết thâm, tàn nhan, hơi mụn, sẹo mờ...

Để công tác trang điểm không mất quá nhiều thời gian của bạn, bạn nên trang điểm nhẹ nhàng (Tránh trang điểm quá đậm) và chú ý vào một số chi tiết quan trọng như:
  • Môi: Bạn nên dùng những màu son môi phù hợp, nhẹ nhàng. Tránh xuất hiện trước Nhà tuyển dụng với một đôi môi nhợt nhạt, thâm xì, khô nứt hay đỏ đậm...
  • Đánh Mascara: đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn và trong cuộc phỏng vấn sẽ có rất nhiều lần giao tiếp bằng ánh mắt với Nhà tuyển dụng. Bạn có thể kẻ mắt nếu thấy cần thiết.
  • Má hồng: Điều này sẽ hạn chế được các khuyết điểm của khuôn mặt như tàn nhang, sẹo, vết thâm, vết nám (Nếu có)... Bạn có thể đánh 1 lớp kem dưỡng + 1 lớp kem lót (Nếu có thời gian thì đánh thêm kem nền).
Kỹ năng trang điểm thì có đầy rẫy trên mạng rồi và chúng ta chỉ cần bật lên và học hỏi kinh nghiệm từ đó thôi.

2. Lựa chọn trang phục

Nhiều Nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào trang phục để đoán định bạn có phù hợp với tính chất công việc hay không hay đơn giản là phán đoán xem bạn có thực sự nghiêm túc trong quá trình phỏng vấn hay không.
  • Đối với Nam:
- Áo: Nên là áo sơ mi hoặc áo thun có cổ

- Quần: Nên là quần tây hoặc quần bò (Không nên là quần bò rách hay kiểu cách nhé)

- Giầy/ Dép: Nên là giầy tây, giày thể thao hoặc dép có quay.
  • Đối với Nữ:
Trang phục được ưa thích hay dùng đó là: Áo sơ mi + Quần tây/ Quần bò/ Chân váy + Guốc (Nên là loại từ 5 - 7cm). Hoặc cũng có thể: Váy liền thân + guốc (Nên là loại từ 5 - 7cm).

Những điểm cần lưu ý:
  • Áo sơ mi không nên lựa màu các màu quá tối (Màu đen) hoặc quá lòe loẹt (Màu xanh lá mạ, màu hồng phấn)...
  • Nên chọn Size áo và quần phù hợp. Không nên chọn Size quá chặt hoặc quá rộng.
  • Phụ kiện trên trang phục cần đơn giản, không nên quá cầu kỳ (Bạn thân Tôi khuyên các bạn là không mang theo phụ kiện khi đi phỏng vấn, trừ những phụ kiện đi cùng với trang phục ^^).
  • Đảm bảo áo sơ mi/ quần tây không có nếp nhăn nhúm.
3. Luôn mỉm cười

Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên vui vẻ, hòa đồng và luôn suy nghĩ tích cực trong cuộc sống. Những điều này thường được bạn thể hiện qua nụ cười, ánh mắt vui vẻ trong cuộc trò chuyện với mọi người. Chính vì vậy, bạn đừng nên tiết kiệm điều này nhé.

Lưu ý, có nhiều trường hợp từng nói với Tôi rằng, họ không cười để thể hiện sự nghiêm túc trong buổi phỏng vấn... Ứng viên mặc nhiên nghĩ rằng, nụ cười thể hiện sự đùa giỡn, thiếu nghiêm túc. Tuy nhiên, lối suy nghĩ đó mang tính áp đặt. Bạn hãy sử dụng nụ cười để tạo ra không gian trò chuyện thoải mái cho bạn và Nhà tuyển dụng.

4. Một số điểm lưu ý khác

- Đầu tóc: Không nên nhuộm màu quá nổi bật như: Bạch kim, vàng chóe... Cần chỉnh lại đầu tóc ngay khi đến địa điểm phỏng vấn cho gọn gàng (Khi đi bên ngoài đầu tóc dễ lung tung).

- Nước hoa: Nên sử dụng những mùi nhẹ nhàng, hương thơm thoảng qua. Tránh việc sịt quá nhiều hoặc mùi quá đậm vì có nhiều Nhà tuyển dụng dị ứng với những điều này.

- Hôi miệng/ Hôi nách: Nếu bạn nào có thì cần phải đảm bảo 2 điều này không xuất hiện trong buổi phỏng vấn nhé.

- Móng tay: Không nên để móng tay quá dài, móng tay được trang điểm cầu kỳ (Đính đá, màu sơn móng quá đậm) hay có vết bẩn ở móng tay.

Những chia sẻ trên dành cho các bạn sinh viên mới ra trường hay những trường hợp chưa có nhiều cơ hội phỏng vấn - Không dành cho các "chuyên gia" nhé.

Không có người phụ nữ/đàn ông xấu - Chỉ có người không biết cách làm đẹp bản thân. Bạn tự tin tỏa sáng chính là bạn đang trân trọng chính bản thân của bạn. Và những điều chúng ta làm cho bản thân thì không nên qua loa, đại khái hay làm cho có... Chúc các bạn thành công.

Chuyên Nghiệp Trong Cách Gửi CV Qua Email

Chào các bạn,

Có rất nhiều bạn ứng viên có tài năng, tràn đầy nhiệt huyết, CV thiết kế công phu, đầu tư kỹ lưỡng nhưng khi gửi qua Email cho Nhà tuyển dụng cả tháng trời vẫn không được hồi đáp.

Vậy làm thế nào để Mail của bạn khi gửi đến hòm mail chung của Nhà tuyển dụng được chú ý và nổi bật giữ hàng trăm, hàng nghìn Email khác. Với kinh nghiệm của bản thân, Tôi sẽ chia sẻ cùng các bạn.


Cách Viết CV Hiệu Qủa

1. Tạo Ấn Tượng Đầu Tiên Bằng Tên Email

Bạn nên sử dụng những Email lịch sự, nghiêm túc và chuyên nghiệp như: nguyenvana@gmail.com (Nếu tên bạn là Nguyễn Văn A) hay NguyenA_th@gmail.com (Nếu bạn tên là Nguyễn Văn A và quê Thanh Hóa)... Tránh việc sử dụng những Email thiếu nghiêm túc như: changtraicodon@yahoo.com; kiepdoden@yahoo.com; Anhhungvole@gmail.com... Điều này giúp nhà Tuyển dụng đánh giá bạn có tôn trọng công ty và công việc hay không.

2. Tạo Ấn Tượng Thứ Hai Bằng Tiêu Đề Email

Tiêu đề Email là hình ảnh đầu tiên hiện ra cho Nhà tuyển dụng khi bạn gửi hồ sơ ứng tuyển. Chính vì vậy, hãy tạo ra ngay sự chuyên nghiệp từ những chi tiết nhỏ nhất.

Đầu tiên, bạn cần đọc kỹ tin đăng tuyển dụng của công ty bạn cần ứng tuyển, có một số công ty sẽ ưu cầu bạn soạn tiêu đề ở trong thư theo cú pháp riêng. Nếu có quy định như vậy, bắt buộc bạn phải thực hiện theo đúng cú pháp (Có những doanh nghiệp sử dụng 1 Email để nhận thư ứng tuyển ở nhiều vị trí).

Ví dụ như hình dưới:


Còn nếu Nhà tuyển dụng không yêu cầu "cú pháp" trong tiêu đề Email, bạn có thể ghi như:

Hồ sơ ứng tuyển vào vị trí Chuyên viên Tuyển dụng

CV ứng tuyển vào vị trí Trưởng phòng kỹ thuật

Đơn ứng tuyển vào vị trí Nhân viên kinh doanh

Bạn cần tránh sử dụng những từ ngữ chung chung trên tiêu đề như: Xin chào; Chuyên viên Tuyển dụng; ứn tuyển...

3. Tạo Ấn Tượng Thứ Ba Bằng Nội Dung Email

Thông thường nội dung Email cũng giống như 1 bức thư ứng tuyển hay 1 dạng thư ngỏ với Nhà tuyển dụng, giúp họ hiểu hơn về con người của bạn và lý do bạn ứng tuyển vào công ty. Chính vì vậy, Tôi khuyên bạn nên có những mục sau trong phần nội dung:

- Kính gửi đơn vị/công ty/tổ chức mà bạn ứng tuyển

- Giới thiệu sơ qua về bản thân (Họ Tên/ Trình độ học vấn - dành cho bạn mới tốt nghiệp/ kinh nghiệm làm việc - dành cho bạn đã đi làm có kinh nghiệm).

- Lý do ứng tuyển/ Tên vị trí ứng tuyển

- Một cam kết mạnh mẽ về công việc

- Thông tin liên lạc của bạn

Ví dụ: Đây là nội dung ứng tuyển vị trí Nhân viên Hành chính - Nhân sự của 1 bạn gửi cho Nhà tuyển dụng:

Kính gửi P. Nhân sự công ty CP xxx

Tôi tên là: Nguyễn Văn A, là sinh viên mới tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế quốc dân chuyên ngành Kinh tế lao động. Qua tìm hiểu thông tin, Tôi được biết công ty đang có nhu cầu tuyển dụng vị trí "Nhân viên Hành chính nhân sự" làm việc tại chi nhánh Hà Nội.

Với những kiến thức đã được học trong trường và thời gian làm việc thực tế tại công ty yyy mà Tôi đã trình bày chi tiết trong bản CV đính kèm. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng bản thân có thể hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.

Rất mong quý công ty tạo điều kiện để chúng ta có thể trao đổi trực tiếp về công việc trong buổi phỏng vấn tại Văn phòng công ty. Qúy công ty có thể liên hệ với tôi qua:

Họ Tên: Nguyễn Văn A
Số Điện Thoại: (+84) 91 234-5678
Email: Nguyenvana@gmail.com
Skype: Nguyenvana

4. Tạo Ấn Tượng Thứ 4 Bằng Việc Soi Lỗi Chính Tả

Sau khi đã ghi đầy đủ nội dung, bạn cần phải đọc lại và đảm bảo 100% sẽ không có bất cứ lỗi chính tả nào xuất hiện khi bạn gửi Email cho Nhà tuyển dụng.

Sau khi bạn đã soạn xong Email gửi cho Nhà tuyển dụng, bạn nhớ phải đính kèm các tập tin về hồ sơ xin việc của bạn như: CV, Thư ngỏ...

Chúc các bạn thành công!

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Cách Viết CV Hiệu Qủa

Chào các bạn,

Hôm nay, Tôi sẽ giới thiệu với các bạn những hiểu biết của mình về việc hoàn thiện 1 bản CV làm sao cho nổi bật và được Nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Trước hết, chúng ta phải hiểu CV là gì? Theo Tôi, CV (Tên viết tắt của từ "Curriculum Vitae" tạm dịch là "Sơ yếu lý lịch") là bản mô tả các thông tin về ứng viên bao gồm: Họ tên, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc... Thông thường 1 bản CV cần phải có một số nội dung bắt buộc sau: Thông tin cá nhân (Personal details), Mục tiêu nghề nghiệp (Job Objective), Trình độ học vấn (Education); Kinh nghiệm làm việc (Professional Experience); Các kỹ năng liên quan đến công việc (Skills); Người tham khảo (Reference).

Để bản CV của bạn nổi bật trong hàng trăm, hàng ngàn các bản khác, chúng ta cần phải thể hiện sao cho thật đầy đủ thông tin, ngắn gọn và xúc tích. 

1. Thông tin cá nhân (Personal details)

Đây là phần giới thiệu về bản thân để Nhà tuyển dụng biết về bạn và có thể liên hệ với bạn sau này. Trong mục này, bạn cần cung cấp những thông tin sau:
  • Họ Tên (Name): Nếu bạn dùng CV bằng tiếng Việt, bạn ghi họ tên theo thứ tự và nên ghi bằng chữ in hoa có dấu. Nếu bạn dùng CV bằng tiếng Anh, bạn ghi tên trước, họ sau và nên ghi bằng chữ in hoa không dấu.
  • Ảnh chân dung (Photo): Ảnh chụp cần sắc nét, thể hiện sự tự tin hay mức độ chuyên nghiệp của bạn. Ảnh chụp nên lấy từ phần eo trở lên hoặc thắt lưng trở lên. Không nhất thiết là ảnh CMND nhất là những công việc đòi hỏi sự sáng tạo.
  • Địa chỉ (Address): Bạn ghi nơi hiện nay bạn đang ở thật chi tiết để Nhà tuyển dụng có thể gửi thư chúc mừng qua đường bưu điện về nhà cho bạn (Nếu họ chọn cách đó ^^)
  • Số điện thoại (Telephone number): Theo cách ghi chuẩn quốc tế (Do Microsoft quy định) thì bao gồm: Mã quốc gia, mã vùng và số điện thoại. Số máy điện thoại gồm có ma trung kế và số thuê bao. Số thuê bao là 4 chữ số cuối.
          Ví dụ: Số điện thoại ghi trên Card 1 Trưởng phòng kỹ thuật:
          ĐT: (84-4) 8662924
          ĐTDĐ: (84) 0913456782
          Theo Microsoft nên ghi là:
          ĐT: (84)(4) 866-2924
          ĐTDĐ: (84)(91) 345-6782 hoặc (+84) 91 345-6782
  • Ngày/Tháng/Năm (Dates): Nếu bạn dùng CV bằng tiếng việt thì sắp xếp theo thứ tự Ngày/Tháng/Năm (20/10/1988); Nếu dùng CV bằng tiếng Anh thì bạn sắp xếp Tháng/Ngày/Năm (April 6th 1988)
  • Hòm thư điện tử (Email): Bạn cung cấp Email cá nhân cho Nhà tuyển dụng để liên lạc sau này. Tên Email không nên quá rườm rà, khó nhớ hay thiếu tính chuyên nghiệp.
2. Mục tiêu nghề nghiệp (Job Objective)

Phần này thể hiện định hướng phát triển nghề nghiệp của bạn sau này. Nó giúp Nhà tuyển dụng xem xét rằng liệu bạn có thực sự tìm kiếm công việc này hay không hay bạn đang tìm kiếm điều gì từ công việc này.

Ví dụ: Một ứng viên đang ứng tuyển vào vị trí "Designer". Bạn ghi mục tiêu công việc của bạn như sau:

"I want to work in a professional environment especially in Finance Analysis, Audit and Marketing. I would like to challenge myselt by many diffculties".

Bạn cần phải định hướng rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp phù hợp với công việc mà bạn đang ứng tuyển. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn không thể trở thành kế toán trưởng khi bạn đang ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh được.

3. Trình độ học vấn (Education)

Phần này bạn nêu ra trình độ học vấn hay các khóa học có liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển. Bạn nên trình bày một cách ngắn gọn: Tên trường, khóa học, thành tích nổi bật (Nếu có). Bạn nên nêu khoảng 3 khóa học là phù hợp.

3. Kinh nghiệm làm việc (Professional Experience)

Hiện nay, Tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ khi viết CV thường nêu tất cả những công việc mình đã từng làm, từng trải qua trước khi ứng tuyển. Điều này sẽ không khiến cho Nhà tuyển dụng đánh giá cao khả năng của bạn mà đôi khi lại phản tác dụng vì họ không biết bạn có thực sự phù hợp với công việc mà công ty đang tuyển dụng hay không.

Bản thân Tôi cho rằng, bạn chỉ cần nêu ra các công việc mà liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển, điều này sẽ giúp cho bạn nhấn mạnh được kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp với công việc bạn đang tìm kiếm.

Bạn có thể sắp xếp theo thứ tự như sau: Tên công ty (Có thể trích ngang 1 đoạn tiểu sử công ty), chức danh công việc từng làm, thời gian làm việc, nhiệm vụ được giao, các thành tích đạt được (Nếu có):

Ví dụ:
Công ty XXX
Trưởng nhóm nhân sự
9/2008 - Hiện nay
Công ty XXX là công ty hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp công nghệ tại Việt Nam.

Xây dựng quy trình Tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu kinh doanh của công ty. 
Xây dựng quy trình đào tạo huấn luyện cho nhân viên mới.
Xử lý kỷ luật và giải quyết các mâu thuẫn trong công việc.
....

Thành tích đạt được: Nhân viên xuất sắc năm 2010, 2011.

Đối với các bạn sinh viên, đây là một trong những điểm mà các bạn khó viết nhất. Chính vì vậy, Tôi khuyên các bạn nên lăn sả vào công việc, tìm các môi trương thực tập chuyên nghiệp để tích lũy cho mình kiến thức thực tế và kinh nghiệm.

4. Kỹ năng trong công việc (Skills)

Tùy vào từng công việc mà bạn nêu ra những kỹ năng làm việc tương ứng hoặc có liên quan đến công việc.  Theo Tôi sẽ có 2 nhóm kỹ năng:
  • Nhóm kỹ năng cơ bản: Kỹ năng tin học văn phòng (Microsoft Office), kỹ năng ngoại ngữ (English, other...)
  • Nhóm kỹ năng đặc biệt:  Tùy vào vị trí ứng tuyển để xác định kỹ năng trong nhóm này.
Ví dụ: Một bạn ứng tuyển vào vị trí "Designer" thì cần có thêm 1 số kỹ năng liên quan đến máy tính như: Photoshop, Adobe After Effect....

5. Người tham khảo (Reference)

Phần này cho Nhà tuyển dụng các thông tin để xác thực lại những thông tin ở trên. Chính vì vậy, thông tin cần phải thật rõ ràng và đầy đủ.

Trong phần này, thông thường bạn cần có 1 số thông tin như: Tên người tham khảo, công ty làm việc, chức vụ, số điện thoại liên hệ.

Bên cạnh những thông tin chính như trên, bạn cũng có thể thêm vào các thông tin như: Điểm mạnh (Strongest Abilities), sở thích (Hobby), trang cá nhân (My Online Profile) như: FB, Twitter, LinkedIn... để làm phong phú thêm cho CV của mình.

Để bản CV bắt bắt và thể hiện được sự chuyên nghiệp. Bạn nên chuyển sang phiên bản PDF trước khi gửi cho nhà tuyển dụng. Bên cạch đó, xu hướng sáng tạo trong cách làm CV đang được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn như: CV bằng sách ảnh, CV bằng power point... Nhưng dù sáng tạo ra sao thì các thông tin ở trên vẫn là những thông tin bắt buộc cần có.

Hi vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình hoàn thiện CV của mình và tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Bạn Hiểu Thế Nào Là Thăng Tiến?

Chào các bạn,

Lâu nay chúng ta hay nhắc nhiều đến sự thăng tiến trong công việc, nhưng để hiểu một cách chính xác và mạnh lạc vấn đề thì nhiều người còn đang mông lung, suy nghĩ sai lầm hay định hướng sai trong nghề nghiệp. Có nhiều người lầm tưởng phải là đi làm phải trở thành SẾP mới gọi là phát triển sự nghiệp.

Liệu nó có phải là suy nghĩ hiện tại trong công việc của bạn?

Vậy thăng tiến nghĩa là gì? Hiểu như thế nào là đúng?

Theo Tôi, thăng tiến được hiểu theo 2 khía cạnh sau:

1. Thăng tiến theo chiều dọc (Thẳng đứng): Tức là bạn được đề bạt từ nhân viên lên cấp quản lý, từ quản lý cấp trung lên cấp quản lý cấp cao hơn. Kéo theo đó là sự thay đổi về chức danh công việc, môi trường làm việc hay đơn giản là chiếc ghế bạn ngồi.... Và cuối cùng là thay đổi về mức thu nhập. Đây là cách hiểu thứ 1 của tôi về thăng tiến.


Ở cách hiểu này, thăng tiến là chỉ sự thay đổi vị trí, chức danh công việc.

2. Thăng tiến theo chiều ngang (Đi ngang) tức là việc bạn trau dồi thêm về kỹ năng công việc, am hiểu thêm về nhiều lĩnh vực, làm được nhiều nhiệm vụ mà công ty đề ra... Kết quả cuối cùng là mức thu nhập của bạn sẽ thay đổi tùy theo mức độ đóng góp trong công việc (Nhiều hay ít). Đây là cách hiểu thứ 2 của Tôi về thăng tiến.


Ở cách hiểu này, thăng tiến là biểu hiện của việc phát triển về khả năng công việc, tinh thông các hoạt động hay nhiệm vụ mới hoặc những đòi hỏi cao của công ty.

Tùy vào cách hiểu của mỗi người, chúng ta sẽ định hướng được sự phát triển trong nghề nghiệp và khẳng định được vị trí trong cuộc sống.

Vậy cách hiểu của bạn thì sao?

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

[QTTD] Bước 6 - Đánh Giá (Tiếp)

Chào các bạn,

Với bất kỳ một công việc hay giải quyết một vấn đề nào đó, hoạt động đánh giá vào cuối chương trình là điều rất cần thiết và cực kỳ quan trọng.

Trong quá trình đánh giá sẽ giúp chúng hiểu rõ được những mặt mạnh (Chúng ta có thể giữ nguyên cho lần tiếp theo), mặt yếu (Hạn chế vấp phải trong lần tới), những điều cần cải thiện (Những cải tiến trong công việc để tốt lên)....

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn cách làm đánh giá (Breakdown) ở 1 vị trí bất kỳ để các bạn hiểu rõ hơn cách làm:

Ví dụ: Đánh giá quá trình tuyển dụng cho vị trí X ở công ty Z. Bạn có thế dùng bảng biểu như bên dưới để đánh giá.


Chúng ta có nhiều cách để đánh giá khi kết thúc quy trình tuyển dụng (Không nhất thiết phải có bảng biểu như trên).

Qúa trình đánh giá vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi ứng viên vượt qua thời gian thử việc và bắt đầu trở thành nhân viên của công ty.

Nếu sau quá trình thử việc, ứng viên không đạt với yêu cầu công việc. Bạn cần ngay lập tức đánh giá lại về các tiêu chí khi phỏng vấn ứng viên và rà soát lại quá trình phỏng vấn mình đã bỏ sót điều gì hay không...

Đây là bước cuối cùng trong quy trình tuyển dụng. Hi vọng rằng điều này sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức thực tế và kinh nghiệm khi bước vào công việc tuyển dụng.

[QTTD] Bước 5 - Nhận việc & Giới Thiệu Nhân Viên Mới (Tiếp)

Chào các bạn,

Sau khi tìm được ứng viên mới phù hợp với điều kiện công việc, môi trường văn hóa công ty thì chúng ta tiếp tục đi đến bước 5 - Nhận việc & Giới thiệu nhân viên mới. Tại sao chúng ta phải có bước này? Nó có tầm quan trọng như thế nào trong quy trình tuyển dụng...?

1. Nhận việc

Trong buổi nhận việc, bạn cần để cho ứng viên hiểu rõ thêm về công ty, công việc và các thông tin khác liên quan đến công việc. Thông thường, buổi nhận việc sẽ có 3 phần:

Phần 1: Tiếp đón các ứng viên trúng tuyển

Như chúng ta đã biết, ấn tượng đầu tiên là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, việc tiếp đón ứng viên là điều vô cùng quan trọng. Bạn nên tạo ra thân thiện, năng động và hứng khởi cho ứng viên. Chứng minh cho ứng viên thấy, mình là 1 phần vô cùng quan trọng của tổ chức.

Hình: Đây là hình ảnh buổi tiếp đón ứng viên đạt trong đợt phỏng 
vấn Sinh viên thực tập tài năng của FPT IS

Phần 2: Thông tin thêm về Công ty/Công việc/ Tiền lương/ Môi trường. Phần này sẽ giúp:
  • Để ứng viên tìm hiểu sâu hơn về sơ đồ tổ chức, bộ máy của công ty đang hoạt động. Hệ thống lại một cách logic những dữ liệu về buổi phỏng vấn (Như: Văn hóa công ty, môi trường làm việc, các quy định, nội quy công ty....) đã thảo luận cùng ứng viên.
  • Là thời điểm cuối cùng để giải đáp mọi thắc mắc, băn khoăn về công việc, công ty của ứng viên trước khi bạn bắt đầu công việc.
  • Để bạn có thể làm quen với những người có liên kết công việc với bạn trong tương lai. giúp quá trình hòa nhập của bạn được nhanh chóng và hiệu quả hơn.
  • Buổi giới thiệu cũng là một cơ hội để nhân viên mới đánh giá mức độ chuyên nghiệp của công ty và tăng khả năng gắn bó của họ.
Phần 3: Ký kết giấy tờ

2. Giới thiệu nhân viên mới

Để ứng viên có thể bắt đầu công việc mau chóng và hòa nhập nhanh với môi trường làm việc, bạn cần giới thiệu cho ứng viên các bộ phận, phòng ban mà bạn đó sẽ làm việc hoặc kết hợp công việc.

Sau khi giới thiệu xong, bạn bàn giao ứng viên cho người quản lý trực tiếp để được phân công công việc.

Hi vọng rằng với tầm quan trọng như trên, chúng ta sẽ thiết kế buổi giới thiệu nhân viên mới 1 cách thật chuyên nghiệp và tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng ứng viên.

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

[QTTD] Bước 4 - Phỏng Vấn (Tiếp)

Chào các bạn,

Sau khi kết thúc công tác sàng lọc hồ sơ ở bước 3, nhà tuyển dụng bắt đầu lên lịch và mời ứng viên đến tham gia phỏng vấn ở vị trí ứng tuyển. Theo kinh nghiệm của bản thân, tôi chia phỏng vấn ra làm 2 vòng riêng biệt (Các bài thi như Excel, IQ, EQ, Trắc nghiệm tính cách, Thuyết trình... sẽ được sắp xếp và gộp vào 1 trong 2 vòng này. Tùy vào từng công việc cụ thể):
  • Vòng 1: Phỏng vấn nhân sự (Hay gọi là vòng sơ tuyển)
  • Vòng 2: Phỏng vấn chuyên môn (Hay gọi là vòng chung kết)
Ví dụ: Công ty CP Thế giới Di Động tuyển dụng ứng viên ở vị trí "Quản lý siêu thị". Sau khi sàng lọc ứng viên và lên lịch phỏng vấn, ứng viên sẽ trải qua các vòng phỏng vấn sau:
  • Vòng 1: Thí sinh test các bài thi về Excel, IQ, EQ, Hùng biện => P. Nhân sự sẽ chấm điểm từng bài thi và tổng hợp lại theo thứ tự từ trên xuống. Chỉ lấy Thí sinh đạt đủ số điểm.
  • Vòng 2: Thí sinh đạt đủ số điểm sẽ vào vòng Face to Face, phỏng vấn trực tiếp với Trưởng Bộ Phận Nhân sự theo Tiêu Chuẩn Năng Lực.
Để cuộc phỏng vấn diễn ra chuyên nghiệp, theo đúng quy trình của công ty. Bạn ở vai trò là nhà Tuyển dụng cần chuẩn bị một số yếu tố cho lần gặp mặt đầu tiên như sau:

1. Công tác chuẩn bị

Trong phần này, bạn cần lưu ý các điểm sau:
  • Địa điểm phỏng vấn: Không gian lịch sự, sạch sẽ, chuyên nghiệp và yên tĩnh phù hợp cho cuộc trao đổi, có nơi để ứng v.iên ngồi chờ đến lượt phỏng vấn
  • Hội đồng phỏng vấn: Cần kiểm soát được số người tham gia phỏng vấn.
  • Hẹn lịch phỏng vấn cho ứng viên: Căn cứ vào thời gian phỏng vấn trung bình 1 bạn để hẹn gặp ứng viên ở các khung thời gian phù hợp. Tránh tình trạng ứng viên phải chờ đợi, sai hẹn thời gian phỏng vấn.
  • Chuẩn bị sẵn các thông tin liên quan đến ứng viên: Cv, hồ sơ ứng viên...
  • Chuẩn bị đầy đủ các công cụ phỏng vấn: Phiếu phỏng vấn, phiếu đánh giá...
Sau khi mọi thứ sẵn sàng, chúng ta sẽ bắt đầu tiến hành phỏng vấn ứng viên. 

2. Trình tự của 1 buổi phỏng vấn(Bình thường)

Thông thường 1 buổi phỏng vấn sẽ tiến hành qua 3 bước như sau:

Bước 1: Đón tiếp ứng viên: Bạn cần sắp xếp nơi chờ đợi cho ứng viên, điểm danh theo danh sách và mời ứng viên phỏng vấn theo đúng thứ tự.
Bước 2: Tiến hành phỏng vấn
  • Thực hiện các bài thi, kiểm tra nếu có như: IQ, EQ, Hùng biện, Excel....
  • Phỏng vấn với P. Nhân sự: tích cách, tìm hiểu thông tin doanh nghiệp, kinh nghiệm làm việc, xác định ứng viên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không.
  • Phỏng vấn chuyên môn với GĐ/TP/TBP cấp trên trực tiếp: Đi sâu vào khả năng làm việc, chuyên môn..
Bước 3: Thông báo kết quả sau khi ứng viên phỏng vấn xong
  • Chúng ta nên thông tin rõ ràng cho ứng viên là chỉ liên hệ với những bạn đạt đủ tiêu chuẩn trong vòng 1 trong vòng bao nhiêu ngày (Nên thông tin cụ thể về thời gian). Không liên hệ với hồ sơ bị loại.
Mục tiêu của phỏng vấn vòng 1 giúp nhà Tuyển dụng chọn lọc được những ứng viên có trình độ học vấn, kinh nghiệm, phù hợp với văn hóa công ty và khả năng phát triển.... 

3. Một số lưu ý trong quá trình phỏng vấn

Trong quá trình phỏng vấn, chúng ta cần phải chú một số điểm sau:

Trình độ chuyên môn/ đào tạo và kinh nghiệm của ứng viên có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. Trong nhiều trường hợp, không phải ứng viên tài năng càng cao, kinh nghiệm càng xuất chúng thì lại trở thành lựa chọn hàng đầu, bởi còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng làm việc của ứng viên tại công ty như: Quy mô, định hướng phát triển, công việc yêu cầu…

Ví dụ: Một công ty quy mô khoảng 300 nhân viên, quy mô trung bình, trước đó chưa có P. Nhân sự và bây giờ đang cần tuyển vị trí: Trưởng phòng Nhân sự để set up tất cả các công việc chuyên môn, làm về quy trình đào tạo, tuyển dụng, xây dựng quy chế Lương…. Thì chúng ta không thể tuyển 1 người mà chỉ định hướng về chiến lược về nhân sự, chỉ tay sai việc….

Tích cách của người tuyển dụng có phù hợp với cấp trên của họ hay không? Đây cũng là 1 trong những yếu tố cần tư vấn cho người phỏng vấn (Hay người sau này sẽ làm việc với ứng viên). Bởi trong một phòng ban, bộ phận thì việc kết hợp công việc cùng nhau là rất quan trọng. Nếu chúng ta tuyển dụng 1 người xung khắc với cấp trên thì 2 người đó sẽ không thể kết hợp và gắn kết công việc được.

Ví dụ: Công ty X đang cần tuyển tài xế cho GĐ. Tính cách của GĐ thì rất kỹ tính, nghiêm khắc, yêu cầu người tài xế giống như 1 người bạn có thể trao đổi và chia sẻ công việc với nhau (Theo hướng GĐ nói – Tài xế nghe) thì chúng ta không thể tuyển 1 tài xế thích sự tự do, bay bổng trong công việc…

- Những đòi hỏi về mức lương của ứng viên (Trong vòng này, chúng ta có thể đi sâu vào tìm hiểu về mức lương mà ứng viên yêu cầu, kỳ vọng của ứng viên…) có phù hợp với cách tính thu nhập của phòng ban hay không. Bởi trong nhiều trường hợp, tuy mức lương ban đầu của bạn đáp ứng cho ứng viên nhưng cơ chế tăng lương, cách tính hiệu xuất công việc lại không phù hợp với kỳ vọng của ứng viên trong tương lai. Đây cũng là một điểm cần suy nghĩ và làm rõ.

Để các bạn chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn, Tôi sẽ trở lại trong những bài viết sau trong chủ đề: Bí quyết chiến thắng Nhà tuyển dụng.



[QTTD] Bước 3 - Sàng Lọc Hồ Sơ (Tiếp)

Chào các bạn,

Sau khi các bạn thực hiện tốt bước 2 - Tạo nguồn và có 1 khối lượng hồ sơ bản cứng (Nộp trực tiếp tại văn phòng) và bản mềm (CV qua mạng). Chúng ta bắt đầu tiến vào bước 3 - Sàng lọc hồ sơ.

Thực tế ở một số doanh nghiệp hiện nay thì bước 3 sẽ được tiến hành bởi các bạn nhân sự mới, các bạn thực tập sinh...mà nhóm này lại có rất nhiều hạn chế về: Kinh nghiệm làm việc, mức độ am hiểu về vị trí tuyển dụng...

Vì vậy, để không đánh mất nhân tài ở bước này và đảm bảo các bạn nhân viên mới hoặc thực tập sinh có thể làm tốt được việc này. Chúng ta cần lưu ý một số điểm chính sau:

1. Bạn cần xác định tiêu chí sàng lọc một cách rõ ràng. Bởi vì, tùy vào vị trí mà bạn đặt ra các tiêu chí khác nhau, tỷ trọng giữa các tiêu chí khác nhau:

Ví dụ: Nếu bạn tuyển 1 vị trí nhân viên kinh doanh/ bán hàng thì tiêu chí ngoại hình được ưu tiên số một; Nếu bạn tuyển vị trí chuyên viên thì tiêu chí trình độ học vấn/ đào tạo và kinh nghiệm lại là ưu tiên số 1...

Trong quá trình sàng lọc hồ sơ, có một số tiêu chí sau:
  • Trình độ học vấn/ đào tạo có phù hợp với vị trí mà công ty đang cần tuyển dụng hay không. Chúng ta sẽ không tuyển những hồ sơ học các khối ngành kinh tế làm những việc liên quan đến công nghệ hay chọn 1 hồ sơ chuyên ngành du lịch cho vị trí kế toán. => Đúng ngành học sẽ đúng với sở thích và đam mê của ứng viên (Trừ một số trường hợp đặc biệt học 1 ngành nhưng lại thích ngành khác). 
  • Kinh nghiệm làm việc: Hồ sơ ứng tuyển từng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoặc vị trí mà công ty đang tuyển dụng hay không? Nếu có, chúng ta sẽ ưu tiên lựa chọn trước những hồ sơ này. Bởi những người có kinh nghiệm sẽ hòa nhập nhanh hơn với môi trường làm việc và đòi hỏi công việc. Chính vì vậy, trong các tin đăng tuyển dụng hay có mục: Yêu cầu 1 năm, 2 năm... ở vị trí tương được.
  • Địa điểm làm việc: Có những ứng viên chỉ có thể làm việc tại văn phòng hoặc thích hợp với các công việc ít di chuyển thì sẽ không phù hợp với nhóm các công việc đòi hỏi phải đi công tác hay khảo sát thị trường thường xuyên (Ví dụ bạn đang tuyển 1 vị trí cần đi công tác thường xuyên thì lựa chọn những bạn đang có lịch học, có gia đình... sẽ gây khó khăn trong công việc sau này).
  • Ngoại hình (Bao gồm các yếu tố: Chiều cao, cân nặng, gương mặt...): Có rất nhiều đơn vị, tổ chức có yêu cầu rất khắt khe trong việc này như: Ngân hàng, giáo dục, dịch vụ bán hàng... Vì vậy, bạn cũng cần chú ý đến điểm này của ứng viên để phù hợp với doanh nghiệp.
  • Yêu cầu về thu nhập của người ứng tuyển có phù hợp với mức chi trả mà công ty bạn hiện tại chi trả cho vị trí đó hay không. Đây cũng là một điểm cần chú ý và xem xét khi sàng lọc hồ sơ ứng tuyển (Vì khi tuyển dụng vào mà công ty không đáp ứng được mức lương trên trời của ứng viên thì cũng sẽ không gắn bó).
  • Mức độ gắn bó trong công việc ở quá khứ. Tiêu chí này giúp chúng ta xác định được sàng lọc được những hồ sơ có xu hướng nhảy việc nhiều (Không gắn bó với tổ chức), mức độ trưởng thành trong công việc (Khi bạn gắn bó với 1 công việc trong vài tháng hoặc dưới 1 năm thì bạn sẽ học được rất ít kinh nghiệm).
2. Cách thức trình bày hồ sơ

  • Nếu ứng viên đến văn phòng nộp hồ sơ trực tiếp bạn cần xem ứng viên có chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu về 1 bộ hồ sơ mà bạn yêu cầu hay không. Nếu sự chuẩn bị không đầy đủ thì chắc chắn đây không phải là 1 ứng viên tiềm năng dành cho bạn.
  • Nếu ứng viên nộp hồ sơ qua Email: Bạn cần chú ý đến: Tiêu đề mail, cách trình bày trong phần nội dung, các tập tin đính kèm (Thông thường ở đây chúng ta chỉ cần CV của ứng viên).
3. Nội dung trong hồ sơ
  • Nếu trình bày sơ sài, không rõ ràng, rườm rà thì đây là điểm trừ của hồ sơ nhân viên.
  • Qúa trình làm việc cần phải nêu chi tiết, đầy đủ trong đó cần có các thông tin như: thời gian làm việc, tên công ty, mô tả công việc đảm nhận, đối tượng tham chiếu. Nếu phần này không có các thông tin rõ ràng như trên thì có thể coi đó như là 1 điểm trừ của hồ sơ.
  • Xem xét cụ thể giữa chức danh công việc và nhiệm vụ được giao của ứng viên, tránh tình trạng ứng viên nói quá, phóng đại về bản thân và công việc trước kia.

Sau khi bạn đã sàng lọc xong hồ sơ thì chúng ta cần gửi Thư Cảm Ơn cho ứng viên vì đã quan tâm đến công ty và công việc bạn đăng tuyển. Trong mẫu thư cảm ơn, bạn cần phải có các thông tin như: Tên công ty, lời cảm ơn chân thành vì ứng viên đã quan tâm đến công việc, xin lỗi ứng viên vì chưa có cơ hội cộng tác và hi vọng gặp lại bạn trong 1 vị trí khác tại công ty.

Trên đây là một số nội dung mang tích chất tham khảo dành cho bước 3 - Sàng lọc hồ sơ. Hi vọng sẽ giúp ích được cho các bạn khi tìm hiểu về Tuyển dụng.

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

[QTTD] Bước 2 - Tạo Nguồn (Tiếp)

Chào các bạn,

Sau khi làm rõ các yêu cầu trong bước 1 - Tiếp nhận yêu cầu tuyển dụng, chúng ta bắt đầu lên kế hoạch tạo nguồn cho vị trí cần Tuyển dụng.

Việc quyết định chất lượng của nhân sự tuyển dụng phụ thuộc rất lớn vào công tác tạo nguồn. Bởi vì, nếu chúng ta có nguồn tốt, nhiều hồ sơ ứng tuyển thì chúng ta có cơ hội sàng lọc và lựa chọn được ứng viên phù hợp cho công việc hoặc ngược lại.

Để công tác tạo nguồn được thực hiện một cách hiệu quả và đảm bảo đủ số lượng hồ sơ theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tôi sẽ đi sâu vào phân tích 2 kênh chính mà bản thân hay sử dụng trong quá trình làm: Kênh Online và Kênh Offline.

1. Kênh Online

  • Hiện nay Website tuyển dụng có 2 loại: Tính phí và Miễn phí. Nếu bạn cần 1 vị trí cấp cao, khó tuyển hoặc một vị trí rất đặc thù (Cấp chuyên viên chẳng hạn) thì nên sử dụng Web tính phí. Điều này đảm bảo độ tin cậy, khả năng thu hút ứng viên và quảng bá hiệu quả cho công tác tuyển dụng. Nếu bạn đang cần tuyển 1 bị trí phổ thông (Như bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên văn phòng,...) thì việc sử dụng các Web Miễn phí lại là 1 sự lựa chọn tuyệt vời.
Trong hình dưới, Tôi giới thiệu với các bạn một số trang Web đăng tin hiệu quả hiện nay:


Bên cạnh những Website uy tín về tuyển dụng như trên, bạn cũng có thể vận dụng tốt một số các diễn đàn, các nhóm qua Facebook...Dưới đây là một số tổng hợp của Tôi về các trang tin có thể đăng tin tuyển dụng ở khu vực Tỉnh (Thích hợp cho các nhà Tuyển dụng đang có xu hướng tiến về nông thôn phía bắc từ Nghệ An trở ra nhé):


2. Kênh Offline

2.1. Tin đăng tuyển dụng: Ngoài các biện pháp đăng tin hiện tại ở các trang Web việc làm (Có sẵn các mục và bạn chỉ cần điền vào hoàn thiện), chúng ta cần phải có kỹ năng viết tin tuyển dụng khi không có mẫu sẵn. Theo tôi khi viết tin đăng có 2 loại:
  • Tin dài: Như các thông báo tuyển dụng gửi các trường, các trung tâm giới thiệu việc làm, tờ rơi... Những mẫu tin dài này thì có đầy đủ các thông tin: Giới thiệu về công ty, lý do tuyển dụng, vị trí ứng tuyển, địa điểm nhận hồ sơ, thời hạn nhận hồ sơ, quyền lợi và các chính sách có liên quan, cách thức liên hệ của ứng viên (Hình dưới):

  • Tin ngắn: Như thông tin trên Băng rôn, trên các diễn đàn (Giới hạn về số ký tự)... Bạn cần phải có thông tin chính yếu sau: Tên công ty, cách thức nộp hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ, cách thức liên hệ hoặc có thêm địa điểm phỏng vấn trực tiếp (Nếu có).

2.2. Tờ rơi

Các thông tin bạn phải cập nhật bắt buộc trên tờ rơi như: Thông tin công ty, vị trí tuyển dụng, yêu cầu ứng viên ngắn gọn, mô tả ngắn gọn công việc, địa điểm nộp hồ sơ, thông tin liên hệ.


2.3. Thông báo đài phát thanh 

Thích hợp khi bạn tuyển dụng ở các tỉnh. Cách viết thông báo như mục 2.1, tuy nhiên cần ngắn gọn và súc tích hơn rất nhiều.

2.4. Đăng báo/ Đăng truyền hình

Phù hợp với nhóm đối tượng lao động phổ thông như tuyển bảo vệ, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất...

3. Một số lưu ý ở bước 2.

  • Mô tả công việc ở vị trí đăng tuyển: Đây là phần nội dung mà ứng viên rất quan tâm khi apply vào công ty. Chính vì vậy, mô tả phải thật rõ ràng những nhiệm vụ chính mà nhân viên ở vị trí đó phải làm.
  • Yêu cầu đối với ứng viên: Với mỗi công việc lại cần 1 yêu cầu khác nhau. Chúng ta cần nêu đầy đủ các tiêu chuẩn mà công việc và công ty đòi hỏi ứng viên ở vị trí này (Như: Trình độ, bằng cấp, độ tuổi, phương tiện đi lại, ngoại hình....). Điều này sẽ giúp chúng ta giảm tải được công việc ở bước 3 - Sàng lọc hồ sơ (Sẽ được trình bày ở phần sau).
  • Xác định được kênh tạo nguồn: Hiện nay có 2 kênh Online và Offline. 
  • Địa điểm nhận hồ sơ: Ứng viên có thể đem hồ sơ đến nộp trực tiếp tại 1 địa điểm mà bạn yêu cầu như: Văn phòng công ty, trung tâm trung gian... Hoặc Bạn nên thiết lập 1 hòm mail để nhận hồ sơ mà ứng viên đăng kí qua mạng. 

Trên đây là một số thông tin mang tính chất tham khảo dành cho bước 2 - Tạo nguồn. Hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn khi tìm hiểu về tuyển dụng.

Hẹn gặp các bạn ở phần chia sẻ bước 3 - Sàng lọc hồ sơ.


Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

[QTTD] Bước 1 - Tiếp Nhận Yêu Cầu Tuyển Dụng (Tiếp)

Chào các bạn,

Để quá trình tuyển dụng được thực hiện hiệu quả thì khâu tiếp nhận yêu cầu tuyển dụng là vô cùng quan trọng. Bạn có thể hình dung nó giống như 1 chiếc la bàn của con tàu đang ở ngoài biển cả. Chiếc la bàn chỉ đúng hướng sẽ giúp các bạn tiếp cận bờ được nhanh hơn.

Thông thường trong bước này, P. Nhân sự sẽ được tiếp nhận một phiếu yêu cầu tuyển dụng từ các bộ phận và phòng ban (Giám đốc, Trưởng phòng, Trưởng bộ phận...). Trong đó, tùy từng công ty mà áp dụng những biểu mẫu Phiếu yêu cầu tuyển dụng khác nhau.


Nếu công ty lớn, có hệ thống quản trị trên Internet thì họ sẽ có những mẫu phiếu Online như hình trên. Các Trưởng bộ phận phòng ban khi yêu cầu nhân sự chỉ cần điền đầy đủ thông tin và bấm cập nhật thì sẽ được tự động chuyển sang P. Nhân sự.

Hay nếu công ty chưa có hệ thống Online thì chúng ta sẽ dùng giấy (Phiếu yêu cầu) và điền đầy đủ thông tin vào như hình dưới và gửi qua P. Nhân sự:

Trong khâu này, các bạn hoàn toàn có thể tự mình xây dựng cho doanh nghiệp của bạn 1 phiếu yêu cầu tuyển dụng (Sau khi tham khảo tài liệu trên Internet).

Để xây dựng được phiếu yêu cầu nhân sự, bạn cần phải có một số thông tin bắt buộc như sau:

  • Tiêu đề
  • Người yêu cầu/Bộ phận tuyển dụng
  • Lý do tuyển dụng (Bổ sung, thay thế, mở rộng...)
  • Yêu cầu/Mô tả công việc ghi chi tiết (Nếu không có bảng mô tả công việc)
  • Thời hạn tuyển dụng
  • Các cấp duyệt

Trong bài viết này, Tôi đứng trên cương vị là 1 nhân viên nhân sự khi tiếp nhận phiếu yêu cầu Tuyển dụng thì cần làm rõ những điều gì để giúp ích cho quá trình tuyển dụng.
  • Người đề xuất tuyển dụng có đủ thẩm quyền yêu cầu hay không (Người yêu cầu tuyển dụng phải là cấp cao nhất của bộ phận hay phòng ban đó hoặc người được cấp trên ủy quyền). Các bước phê duyệt (Chữ ký của người lập phiếu, người xét duyệt, GĐ nhân sự...) đã đầy đủ chưa.
  • Số lượng nhân sự cần tuyển. Thời gian hoàn tất việc tuyển dụng.
  • Địa điểm làm việc: Tích chất công việc làm cố định 1 nơi hay phải di chuyển Công tác và mức độ thường xuyên của việc này. Cần làm rõ điểm này để có thể tính trợ cấp (Nếu có) của công ty.
  • Tiền lương và các khoản khác có thể trả ở vị trí này; Khoảng tiền lương trung bình của 1 bạn nhân viên ở vị trí đó mà công ty (Phòng ban) đang trả (Điều này giúp Nhà TD xác định mức lương mà ứng viên mong muốn công ty có đáp ứng được hay không và làm chủ cuộc chơi khi thảo thuận về tiền lương của NLĐ); Mức lương dành cho người có kinh nghiệm và không có kinh nghiệm; Thử việc sẽ được bao nhiêu % tiền lương; Chế độ tăng lương hiện tại của bộ phận; Các khoản thu nhập khác (Nếu có) của vị trí đó.
  • Yêu cầu nhân sự: Độ tuổi, trình độ chuyên môn, nam hay nữ, tích cách ra sao, bạn phải có tố chất gì để phù hợp với công việc. Và một điều quan trọng nhất đó là phải tuyển chọn nhân viên mà làm việc và kết hợp được với sếp của bộ phận, phòng ban đó.
  • Yêu cầu công việc (Mô tả công việc): Bạn cần có bản mô tả công việc hoặc tóm tắt công việc mà người đó đảm nhận khi vào công ty, các nhiệm vụ đặc biệt phát sinh ngoài bảng mô tả công việc (Nếu có).
Trên đây là một số thông tin mang tích chất tham khảo trong bước 1 của Quy Trình Tuyển Dụng. Hi vọng rằng sẽ giúp ích cho các bạn khi tìm hiểu về Tuyển Dụng.

Hẹn gặp các bạn ở phần chia sẻ Bước 2 - Tạo nguồn.....

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

QUY TRÌNH TUYỂN DỤNG

Trong mô hình nhân sự hiện đại đang được áp dụng tại các tập đoàn, các công ty lớn thông thường sẽ có 4 "kiềng" quan trọng, bao gồm: Tuyển dụng, Đào tạo, Quan hệ lao động và Tiền lương. Trong khuôn khổ của Blog này, Tôi sẽ cố gắng mang lại cho các bạn thật nhiều kiến thức thực tế, những điều mà phòng nhân sự đang thực hiện hàng ngày. Từ đó, các bạn sẽ không còn bỡ ngỡ hoặc có kiến thức nhưng xa rời thực tế.

[QTTD] Bước 1 - Tiếp Nhận Yêu Cầu Tuyển Dụng (Tiếp)
[QTTD] Bước 2 - Tạo Nguồn (Tiếp)
[QTTD] Bước 3 - Sàng Lọc Hồ Sơ (Tiếp)
[QTTD] Bước 4 - Phỏng Vấn (Tiếp)
[QTTD] Bước 5 - Nhận việc & Giới Thiệu Nhân Viên Mới (Tiếp)
[QTTD] Bước 6 - Đánh Giá (Tiếp)

Mời các bạn hãy cùng Tôi khám phá những bí mật đầu tiên về nghề nhân sự nhé.

Tuyển dụng là một trong những khâu quan trọng nhất trong công tác nhân sự. Sau hơn 3 năm gắn bó với công tác Tuyển dụng, Tôi xin gửi đến các bạn "QUY TRÌNH TUYỂN DỤNG" mà bản thân đã tìm hiểu và nghiên  cứu và đúc rút.

QUY TRÌNH TUYỂN DỤNG mà Tôi trình bày với các bạn bao gồm 7 bước quan trọng:


  1. Tiếp nhận yêu cầu Tuyển dụng
  2. Tạo nguồn
  3. Sàng lọc hồ sơ
  4. Phỏng vấn 
  5. Nhận việc & Giới thiệu nhân viên mới
  6. Đánh giá
Với thực tế xảy ra hàng ngày quanh công việc tuyển dụng, Tôi sẽ cùng các bạn nắm vững từng bước, những điều cần lưu ý qua từng bước, những phương pháp có thể áp dụng, những lỗi có thể gặp phải....

Rất mong với những thực nghiệm của bản thân sẽ giúp cho mọi người có 1 cái nhìn tổng quan hơn về công việc nhân sự.

Hiện nay có rất nhiều công ty áp dụng nhiều quy trình tuyển dụng khác nhau, tuy nhiên sau khi nghiên cứu thì 6 bước trên là những bước thiết yếu và quy trình nào cũng cần phải có.


 Quy trình tuyển dụng ở 1 công ty Luật



Quy trình tuyển dụng ở 1 công ty cung cấp giải pháp nhân sự

P/s: Những vấn đề được trình bày trong Blog đơn thuần là những ý kiến cá nhân được rút ra trong quá trình làm việc. Mọi người lưu ý khi tham khảo thông tin nhé.

To be continued...