Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Một Số Câu Hỏi Thường Gặp Mà NTD Hay Dùng (Phần 1)

Chào các bạn,

Để giúp các bạn có thể chuẩn bị thật kỹ càng cho những cuộc phỏng vấn của mình, Blog xin chia sẻ đến các bạn một số câu hỏi mà NTD hay dùng để các bạn tham khảo. Bên cạnh đó, các bạn hoàn toàn có thể sáng tạo ra nhiều dạng câu trả lời để phù hợp với những dạng câu hỏi này.

Anh/Chị hãy giới thiệu về bản thân mình?

Mục đích NTD: Muốn nắm bắt các thông tin cơ bản của ứng viên như: Tên tuổi, học vấn, mục tiêu nghề nghiệp, kinh nghiệm... Đồng thời, NTD cũng xem cách bạn sắp xếp, trình bày và diễn đạt vấn đề có mạnh lạc, lưu loát và rõ ràng hay không.

Cách trả lời: Bạn nên chuẩn bị một đoạn giới thiệu về bản thân mình thật ngắn gọn, xúc tích và nêu bật được ưu điểm của con người bạn. Bạn nên cung cấp các thông tin như: Tên tuổi, học vấn, thông tin tuyển dụng được biết qua kênh nào, ưu điểm hay kinh nghiệm của bản thân phù hợp với vị trí đăng tuyển của công ty. Thời gian giới thiệu khoảng 1 phút là hợp lý.

Giới thiệu những hiểu biết của Em về công ty?

Mục đích NTD: Xác định xem bạn có thật sự nghiêm túc trong việc ứng tuyển vào làm việc tại công ty hay không thông qua việc tìm hiểu các thông tin về công ty.

Cách trả lời: Bạn nên trả lời một cách chính xác các thông tin mà công ty đăng tải trên Internet (Tránh trường hợp trả lời sai khi không biết chính xác những vẫn cố gắng trả lời). Bạn nên cung cấp các thông tin như: Tên công ty, website, lĩnh vực kinh doanh, các thành tích đạt được hoặc một thông tin nổi bật nào đó mà bạn biết về công ty.

Anh/Chị có nắm rõ vị trí công việc ngày hôm nay mình đến ứng tuyển hay không?

Mục đích NTD: Xác minh sự hiểu biết của bạn về công việc mà mình ứng tuyển.

Cách trả lời: Hầu hết các công ty khi đăng tuyển đều đính kèm mô tả công việc của vị trí đó, Bạn chỉ cần hiểu và trình bày với NTD theo đúng những gì đăng tuyển.

Trong quá trình làm việc tại công ty cũ, có kỷ niệm hay sự kiện gì đáng nhớ xảy ra đối với Anh/ Chị hay không?

Mục đích NTD: Xác minh mức độ tình cảm, ý thức công việc của ứng viên dành cho công việc cũ. Bên cạnh đó cũng có thể dùng để xác minh sự trung thực của ứng viên khi nói về kinh nghiệm làm việc.

Cách trả lời: Bạn có thể dùng mô hình C - A - R để trả lời những câu hỏi dạng này. Bạn có thể tham khảo trong phần Những Dạng Câu Hỏi Thường Dùng Trong Phỏng Vấn

Mục tiêu trong vòng 2 đến 5 năm tới của Anh/Chị là gì?

Mục đích NTD: Xác minh mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên có phù hợp với công việc hay không.

Cách trả lời: Hãy chứng minh cho NTD thấy được công việc hiện tại mà bạn đang ứng tuyển nằm trong lộ trình sự nghiệp mà bạn đã vạch ra và bạn nộp hồ sơ vào đây là một điều cực kỳ cần thiết cho sự phát triển của bạn.

Lý do thôi việc ở công ty cũ là gì?

Mục đích NTD: Thông qua câu trả lời, NTD có thể hiểu được những mong muốn của bạn khi làm việc tại công ty cũ và những điều bạn đang hướng tới trong công việc tương lai.

Cách trả lời: Không nên sử dụng những lý do có ý nghĩa tiêu cực như: Bận công việc cá nhân, mẫu thuẫn với đồng nghiệp, thất vọng về cách cư xử của công ty... mà nên dùng những lý do mang tính tích cực như: Mong muốn phát triển tại một môi trường mới...

Điều gì ngăn cản/ Cản trở bạn bắt đầu công việc tại công ty hay không?

Mục đích NTD: Mong muốn tìm hiểu những yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận việc của bạn tại công ty sau khi được tuyển dụng.

Cách trả lời: NTD nào cũng đều mong muốn ứng viên của mình có thể bắt đầu công việc ngay khi được tuyển dụng phải không nào. Còn nếu bạn chưa thể bắt đầu ngay với công việc, hãy trung thực trình bày và đưa ra một dealine rõ ràng để NTD cân nhắc.

Te be continued....

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Sinh Viên Và Một Số Thói Quen Ảo Tưởng

Chào các bạn,

Là một người làm nhân sự  được tiếp xúc với rất nhiều các bạn sinh viên, bản thân Tôi cảm thấy vui mừng khi rất nhiều bạn sinh viên đã biết suy nghĩ cho tương lai, công việc và cuộc sống. Các bạn đã biết hoạch định các kế hoạch của cá nhân và con đường phát triển phía trước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không hề nhỏ các bạn sinh viên đang có một vài thói quen xấu và ảo tưởng rất lớn về bản thân mình. Trong bài viết này, Tôi sẽ chỉ ra cho các bạn một số vấn đề mà bản thân nhận thấy khi tiếp xúc với bộ phận những con người này.

Ảo tưởng 1: Những năm sinh viên chỉ cần làm những công việc mùa vụ, partime không đòi hỏi kỹ năng và sự tư duy hoặc cần tập trung vào học còn kiến thức thực tế sau này ra trường sẽ tích lũy thêm.

Hiện nay, một trong những khó khăn dành cho các bạn sinh viên mới ra trường khi đi xin việc là việc thiếu kinh nghiệm và kiến thức thực tế ở vị trí tuyển dụng. Đồng thời, những phẩm chất, kỹ năng cần thiết dành cho ứng viên mà NTD yêu cầu cũng là một điểm hạn chế khả năng thành công khi các bạn đi phỏng vấn.

Chính vì vậy, việc tiếp xúc với kiến thức thực tế ngay từ khi ngồi trên nghế nhà trường sẽ giúp chúng ta tư duy và hình dung ra được công việc của mình. So sánh giữ kiến thức học và những đòi hỏi mà xã hội đang cần. Từ đó giúp các bạn chuẩn bị được những yếu tố cần thiết để phù hợp với công việc mà mình định hướng sau này.

Ảo tưởng 2: Bằng cấp là điều kiện tiên quyết, quyết định 1 công việc tốt.

Tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn sinh viên đến từ rất nhiều trường ĐH/CĐ/TH như: Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Quốc gia, Điện lực, Văn hóa, Công đoàn, Thủy lợi, Kinh doanh - Công nghệ...Tôi nhận thấy, Trường học chỉ là nơi cung cấp cho các bạn môi trường học tập và nghiên cứu, còn việc phát triển đạt được ở mức độ nào thì lại phụ thuộc vào tiềm năng của từng cá nhân.

Tôi đã gặp nhiều bạn sinh viên Ngoại thương có thể giao tiếp Tiếng Anh tốt nhưng lại không thể hoàn thành phần tự giới thiệu về bản thân một cách hoàn chỉnh; Hay những bạn chỉ học Trung cấp nghề nhưng lại có kiến thức thực tế và khả năng nắm bắt công việc nhanh gấp đôi những người tốt nghiệp ĐH... Chính vì vậy, ý kiến cá nhân Tôi cho rằng, Bằng cấp chỉ là một tờ giấy thông hành giúp bạn đi qua cửa "hải quan - Xét duyệt hồ sơ" chứ không quyết định nhiều đến việc bạn trúng tuyển hay không.

Hiện nay, bạn hoàn toàn có thể vượt qua vòng xét duyệt hồ sơ một cách dễ dàng nếu bạn có 1 bản CV chuyên nghiệp (Các bạn tham khảo cách viết CV qua bài viết Cách Viết CV Hiệu Qủa) hay tạo ra ấn tượng tốt với NTD ( Các bạn tham khảo Những Cách Gây Ấn Tượng Với Nhà Tuyển Dụng (NTD))

Ảo tưởng 3: Mình được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp nên cần được sắp xếp những công việc hợp lý, tạo điều kiện hết sức để phát huy khả năng của bản thân và mang về hiệu quả cho công ty.

Xin thưa với các bạn, đến ngay cả những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... vẫn còn tình trạng "Ma cũ bắt nạt ma mới" thì chắc chắn điều này sẽ không thể tránh khỏi khi các bạn bắt đầu công việc ở đất nước chúng ta.

Ban đầu, khi bạn mới bắt đầu làm việc tại công ty thì hãy bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất và hãy vui mừng khi được các vị "tiền bối tin tưởng nhờ vả". Điều này sẽ giúp các bạn hòa nhập nhanh hơn với môi trường làm việc mới và những người đồng nghiệp vui tính.

4. Ảo tưởng 4: NTD sẽ đánh giá cao một sinh viên tự tin và hiểu biết hầu hết các công việc mà công ty đang cần.

Việc thể hiện phong thái luôn luôn tự tin và bản lĩnh mạnh mẽ trước NTD là điều cần thiết để bạn ghi điểm trong mắt NTD nhưng đôi khi cách thể hiện thái quá của bạn lại khiến cho NTD đánh giá bạn thiếu khả năng học hỏi và sự điềm đạm trong công việc. Chẳng có ai thích tuyển một người lúc nào cũng biết hết, biết tuốt... nhưng thực chất lại không hiểu gì về doanh nghiệp mà bạn đang ứng tuyển. Có thể bạn được đào tạo và nghiên cứu trong một môi trường vô cùng tốt, được trải nghiệm công việc thực tế nhiều và có kiến thức khá sâu ở vị trí mà bạn nộp đơn tuyển dụng. Tuy nhiên, mỗi một doanh nghiệp họ lại yêu cầu ở nhân viên của mình những phẩm chất, điều kiện và yêu cầu khác nhau.

Hi vọng rằng với những chia sẻ trên, sẽ giúp ích cho một số bạn sinh viên trong vấn đề điều chỉnh các hành vi và thói quen xấu.

Chúc các bạn thành công.

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Những Lỗi Thường Mắc Phải Khi Tham Gia Phỏng Vấn (Phần 1)

Chào các bạn,

Có thể bạn rất yêu thích công việc mà mình ứng tuyển, bạn đã chuẩn bị đầy đủ tất cả cho buổi phỏng vấn... Nhưng rồi sau 10 ngày, 15 ngày hay 20 ngày, bạn vẫn không nhận được điện thoại thông báo trúng tuyển của NTD. Có thể bạn chưa biết nhưng đôi khi cuộc phỏng vấn quan trọng của bạn lại được quyết định trong 1 khoảng khắc ngắn ngủi nào đó. Bạn mắc vào những lỗi hay những điều cấm kỵ khi tham gia phỏng vấn.

Ngày hôm nay, Tôi sẽ cùng các bạn chỉ ra một số lỗi khi đi phỏng vấn chúng ta hay mắc phải để mọi người tránh hoặc ít nhất có biện pháp đề phòng.

1. Trang phục không đúng với tính chất công việc và môi trường làm việc của công ty. Đôi khi, chúng ta mong muốn ăn mặc thoải mái cho bản thân vì nghĩ rằng điều này sẽ giúp chúng ta thể hiện được tốt nhất nhưng lại vô tình tạo ra yếu tố phản cảm cho NTD. Bạn không thể diện áo thun không cổ, quần bò rách đi phỏng vấn cho 1 vị trí "Chuyên viên pháp lý" hay comple + canavat khi đi phỏng vấn ở vị trí bảo vệ....

2. Không trang điểm. Nếu bạn muốn dọa ma NTD bằng một khuôn mặt nhợt nhạt, đôi môi khô khốc, mắt thâm đen, móng tay bẩn... thì chắc chắn bạn sẽ thành công.

3. Cái răng cái tóc là vóc con người. Không nên để cho kẽ răng của mình còn dính đồ ăn thừa của buổi sáng hay buổi trưa khi gặp NTD và Mái tóc nhuộm quá nổi bật hay bù xù (Khi bạn phải đội mũ Bảo hiểm) khi xuất hiện trước NTD.

4. Miệng không cười. Do quá tập trung vào câu hỏi phỏng vấn và NTD mà bạn quên đi nụ cười thì trong mắt NTD, Bạn không phải là một người thân thiện đâu.

5. Các cử chỉ body language như: rung đùi, ngó nghiêng liên tục, gãi đầu, vuốt tóc... của bạn có thể làm NTD đánh giá bạn đang thiếu tự tin hoặc cực kỳ không chuyên nghiệp.

6. Nói xấu công ty cũ rồi tôn vinh công ty mới. NTD có thể hình dung ra hành động của bạn sau này nếu bị nghỉ việc tại công ty của họ và chắc chắn họ không thể chấp nhận bạn được.

7. Nói quá nhiều về bản thân. Điều này có thể khiến NTD đánh giá bạn là con người cá nhân, tự tin thái quá và đôi khi nói giỏi hơn làm (Đừng bao giờ suy nghĩ rằng "Hãy cứ cho Tôi làm đi - Tôi sẽ chứng minh cho các Anh/Chị điều Tôi vừa nói" vì bạn sẽ không bao giờ có cơ hội đó).

8. Đòi hỏi về mức lương. Điều này có thể khiến NTD cho rằng bạn sẽ không gắn bó lâu dài với công việc này (Nếu có 1 công ty khác trả lương cao hơn, bạn sẵn sàn rời bỏ họ).

9. Không nhớ tên NTD. Tên gọi là âm thanh êm ái mà bất kỳ người nào cũng muốn nghe, chính vì vậy, nếu NTD không giới thiệu tên thì bạn nên hỏi ngay lúc đầu phỏng vấn để xưng hô và ghi nhớ trong cả quá trình phỏng vấn xuyên suốt (Vòng 1, vòng 2, vòng 3...).

10. Tranh cãi với NTD về 1 vấn đề khi tham gia phỏng vấn và cố gắng khẳng định mình đúng. Có thể những điều bạn nói là đúng nhưng không phải NTD nào cũng muốn thừa nhận mình sai trước mặt ứng viên phải không nào? Chưa kể đến trường hợp đó là 1 tình huống trong khâu phỏng vấn.

11. Thể hiện hoặc biểu hiện thái độ không hài lòng về buổi phỏng vấn như: Công tác setup phỏng vấn không chuyên nghiệp, cách điểm danh không hợp lý (Người đến trước không được phỏng vấn trước...), nơi chờ đợi...

12. Gọi điện hỏi thông tin tuyển dụng ngoài giờ hành chính. Chúng ta thường "tiện" thì làm mà không để ý đến cảm giác của người khác. Đôi khi NTD thấy đang bị làm phiền vì những cuộc gọi vào buổi tối, vào thứ 7 hay chủ nhật.

13. Không đọc kỹ thông tin về doanh nghiệp/ tổ chức mà bạn tham gia phỏng vấn, không nhớ tên Website của đơn vị đó... sẽ khiến bạn mất điểm trầm trọng trong buổi phỏng vấn.

14. Không đọc kỹ thông tin đăng tuyển dụng của công ty.

15. Sử dụng ngôn từ bình dân trong trả lời phỏng vấn như: Nó, bọn họ, mày - tao...

16. So sánh công việc bạn đang ứng tuyển và công việc trước kia hoặc 1 công việc nào đó khác (Về môi trường làm việc, thu nhập, các điều kiện hỗ trợ công việc...).

Còn nữa....

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Phân Biệt Đào Tạo & Phát Triển

Chào các bạn,

Hiện nay trong cơ cấu P. Nhân sự, BP. Đào tạo & Phát triển đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng trong việc xây dựng và định hình nhu cầu đào tạo và phát triển trong tổ chức. Tuy nhiên, do chưa hiểu biết 1 cách cặn kẽ hoặc đang lạm dụng ngôn từ để diễn tả cho nên mỹ từ "Đào tạo & Phát triển" đang được dùng một cách tràn lan và không có căn cứ để xác định tính chính xác của nó.

Trong bài chia sẻ này, Tôi và các bạn sẽ tìm ra những điểm khác nhau cơ bản của 2 hoạt động này:

Đào Tạo
Phát Triển
1. là hoạt động nhằm trang bị cho nhân viên kiến thức, kỹ năng chuyên môn giúp họ thực hiện tốt được công việc được giao.

Ví dụ: Một nhân viên bán hàng công nghệ trước khi làm việc sẽ được học một khóa về kiến thức sản phẩm; Một nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ trước khi tư vấn cho khách hàng sẽ được học 1 tuần về cách tư vấn + các gói sản phẩm bảo hiểm công ty đang có.


1. Là các hoạt động học tập được tổ chức nhằm thay đổi hoặc tạo đột phá cho thói quen tư duy, hành vi hay nhận thức của nhân viên trong quá trình làm việc.

Ví dụ: Các khóa học như “Khai thác khả năng tiềm ẩn, tư duy triệu phú…
2. Về mặt hiệu quả: Có tác dụng ngay tức thì, giúp cho nhân viên đạt hiệu suất hay kết quả như kỳ vọng của doanh nghiệp.

2. Về mặt hiệu quả: Có tác dụng trong dài hạn, đảm bảo kế hoạch về nhân lực lâu dài của tổ chức.
3. Đối tượng tham gia: Là tất cả các nhân viên trong công ty.

3. Đối tượng tham gia: Thông thường áp dụng cho các vị trí Key trong tổ chức.
4. Người hướng dẫn: Giảng viên là người trong công ty.
4. Người hướng dẫn: giảng viên có thể là người trong công ty (Nhiều kinh nghiệm, có uy tín trong tổ chức…) hoặc thuê bên ngoài.

5. Thời gian tiến hành: Thông thường hoạt động đào tạo thường tiến hành khi nhân viên bắt đầu vào làm việc, cập nhật sự thay đổi về kiến thức, kỹ năng chuyên môn… Đây là hoạt động thường niên trong công ty được tổ chức liên tục.
5. Thời gian tiến hành: Theo nhu cầu phát triển của công ty và định hướng phát triển trong tương lai mà Doanh nghiệp tiến.

Hi vọng những chia sẻ ở trên đã giúp cho các bạn phân biệt được phần nào sự khác nhau ở 2 hoạt động này và giúp các bạn định hình được công việc hiện tại hay các chương trình đào tạo hiện tại của mình đang nằm ở mảng nào.

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Những Công Thức Thành Công

Chào các bạn,

Nhân một khóa học về cách thức để thành công mà Tôi được tham gia, Có một vài công thức thành công mà tôi nghĩ rất hay và hữu ích dành để chia sẻ với mọi người. Hi vọng rằng điều này sẽ giúp ích cho bạn định hình con đường phát triển của mình sau này.

1. Công thức 1: Thành công = Địa vị + $$$

Trong đó:

  • Địa vị: Là chức vụ và quyền hạn của 1 cá nhân trong tập thể/ doanh nghiệp hoặc tổ chức mà người đó công tác hay sinh hoạt.
  • $$$: Là tài chính của bạn
2. Công thức 2: Thành công = Tích cách + Thói Quen + Hành Động + Định Mệnh

Trong đó:
  • Tích cách: Chỉ những người có tư duy tích cực trong suy nghĩ và làm việc.
  • Thói quen: Là những hành vi lặp đi lặp từ ngày này qua ngày khác. Đối với những người thành công thì đây là những thói quen tốt, giúp ích cho công việc và cuộc sống.
  • Hành động: Người thành công là người lời nói đi đôi với hành động. Chỉ khi bạn hành động kết quả mới hiện ra.
  • Định Mệnh: Yếu tố may mắn và tâm linh đôi khi cũng giúp ích cho sự nghiệp của một cơ số người (Có thể hiện hữu trong suy nghĩ).
3. Công thức 3: Thành công = Giá trị bản thân + Quy mô + Thời gian

Trong đó:
  • Giá trị bản thân: Tức là khẳng định sự trưởng thành của bản thân. Có thể thông qua: Tiền lương, chức vụ...
  • Quy mô: Bạn thấy thành công khi được công tác trong một môi trường lớn, nhiều nhân viên, giá trị doanh thu cao...
  • Thời gian: Bạn được cống hiến và làm việc lâu dài trong công ty/ tổ chức. Công ty/ Tổ chức tín nhiệm ở bạn trong công việc.
Để minh họa cho điều này, bạn có thể tham khảo về con đường sự nghiệp của Giám đốc Điều Hành Yahoo bà Marrisa Mayer.

4. Công thức 4: Thành công = Mục tiêu + Phương pháp

Trong đó:
  • Mục tiêu: Là những điều mình hướng tới, mong muốn đạt được, mong muốn trở thành... trong tương lai. Thông thường, mục tiêu chiếm vị trí quyết định trong công thức này. Khi bạn có mục tiêu, bạn sẽ có thật nhiều những phương pháp để thực hiện nó.
  • Phương pháp: Đây là cách thức hành động để hiện thực hóa mục tiêu.
Để minh họa cho công thức thứ 4, mời các bạn xem Video câu chuyện về 3 người thợ hồ:


5. Công thức 5: Thành công = Suy nghĩ tích cực + Say mê + Hành động kiên trì

Trong đó:
  • Suy nghĩ tích cực: Là luôn nhìn sự vật, hiện xảy ra xung quanh bạn một cách lạc quan đầy tin tưởng và tìm kiếm những cơ hổi thử thách trong đó.
  • Say mê: Thể hiện sự đam mê, lòng nhiệt huyết, máu lửa... muốn cống hiến và chiến đấu hết sức mình vì điều mình yêu thích.
  • Hành động kiên trì: Cần phải kiên trì theo đuổi và phấn đấu cho con đường mình đã lựa chọn.
Để minh họa cho công thức này, mời các bạn xem Video về 3 bài học làm thay đổi cuộc đời của Steve Job - Người sáng lập ra Tập đoàn Apple.

Trên đây là 5 công thức THÀNH CÔNG mà Tôi được chia sẻ trong khóa học. Nếu bạn thấy đúng và cần thiết thì hãy lựa chọn cho mình 1 công thức thành công cho riêng bản thân của bạn.

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Những Dạng Câu Hỏi Thường Dùng Trong Phỏng Vấn

Chào các bạn,

Để giúp các bạn có thể hiểu rõ hơn về nội dung của 1 buổi phỏng vấn với NTD. Ngày hôm nay, Tôi và các bạn sẽ cùng làm rõ với nhau những dạng câu hỏi mà NTD thường dùng trong quá trình phỏng vấn nhé.

Đây là một số dạng câu hỏi thông dụng mà NTD hay dùng, bên cạnh đó còn rất nhiều dạng câu hỏi khác mà Tôi chưa được đề cập đến trong bài viết này. Rất mong nhận được những đóng góp của các bạn để bài viết được đầy đủ hơn.

[QTTD] Bước 4 - Phỏng Vấn (Tiếp)

1. Câu hỏi dạng đóng (Yes/No)

NTD thường dùng loại câu hỏi này để xác minh tính chính xác các thông tin của ứng viên trình bày trong buổi phỏng vấn, trong CV...

Ví dụ:

- Anh đã có 5 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực nhân sự phải không?

- Anh đã tốt nghiệp trường ĐH... ?

Cách bạn trả lời những câu hỏi này, thường là đi vào trực tiếp nội dung câu trả lời, ngắn gọn, xúc tích và mang tích chính xác, nhất quán với các thông tin mà bạn đã cung cấp cho NTD trong CV, đơn xin việc, hay các thông tin trong quá trình phỏng vấn.

2. Câu hỏi dạng tình huống/ Hành vi

NTD thường đặt những câu hỏi về các tình huống xảy ra cụ thể trong quá khứ liên quan đến công việc để tìm hiểu về cách nhìn nhận và giải quyết sự việc của bạn. Thông qua những hành vi trong quá khứ hay cách bạn xử lý vấn đề, NTD có thể dự đoán được cách bạn xử lý công việc của bạn trong tương lai.

Đôi khi thông qua việc này, NTD đánh giá được thái độ, cách làm việc ngày trước của ứng viên, xác định xem ứng viên có tôn trọng và trách nhiệm trong công việc cũ hay không.

Hiện nay, xu hướng phỏng vấn của hầu hết các NTD đều tập trung đi sâu vào khai thác các hành vi của ứng viên như: Hành vi thể hiện trong buổi phỏng vấn, hành vi thể hiện trong công việc, hành vi thể hiện trong xử lý tình huống... để đánh giá kết quả đạt hay không đạt.

Ví dụ:

- Trong quá trình làm việc tại Nhà hàng X, Em có thể kể một trường hợp khách hàng gây rối hoặc không hài lòng về dịch vụ của nhà hàng và cách Em xử lý trong tình huống đó như thế nào?

- Em vào làm việc ở công ty ở vị trí Thu ngân. Một hôm trong ca làm việc của Em, có hơn 10 khách hàng đang chờ thanh toán thì xuất hiện 1 vị khách quen của siêu thị. Khách vào mua 1 chiếc tivi đắt tiền và mong muốn được thanh toán trước nếu không khách không mua nữa (Bởi vì khách đang có việc bận). Vây Em sẽ xử lý như thế nào?

Để có những câu trả lời chính xác và được NTD đánh giá cao. Bạn có thể áp dụng trả lời những câu hỏi dạng này theo đúng trình tự công thức sau: C (Circumstance) - A (Action) - R (Result). Trong đó:

C (Circumstance): Miêu tả tình huống, hoàn cảnh xảy ra mà bạn đang phải đối mặt.

A (Action): Bạn đã hành động như thế để vượt qua điều đó.

R (Result): Kết quả bạn đạt được và bài học kinh nghiệm của bạn.

3. Câu hỏi dạng tìm hiểu thông tin

NTD thường dùng những câu hỏi dạng này để làm rõ những thông tin mà họ đang còn nghi ngờ hay chưa nắm chắc. Hoặc muốn đi sâu vào việc tìm hiểu kỹ những thông tin của ứng viên.

Những câu hỏi dạng này thông thường được sử dụng theo từng chuỗi liên tục nhằm gây áp lực lên ứng viên và hay áp dụng cho phương pháp phỏng vấn sâu.

Ví dụ:

NTD: Em hay cho biết những điểm mạnh của mình?

UV: Em là con người vui vẻ, hòa đồng và có năng khiếu lãnh đạo.

NTD: Năng khiếu lãnh đạo của Em được biểu hiện như thế nào?

UV:....

Chính vì vậy, khi đối mặt với những chuỗi câu hỏi này, bạn phải thật bình tĩnh và sắp xếp các dữ kiện để trả lời chính xác từng câu hỏi, tránh tình trạng trả lời lan man, câu trước đá câu sau... và bộc lộ việc bạn gian dối hay năng lực không đủ để đảm nhận vị trí công việc.

4. Câu hỏi dạng áp lực

NTD sử dụng dạng câu hỏi này khi muốn làm đảo lộn hết những tính toán, sắp xếp của ứng viên trong buổi phỏng vấn. Bên cạnh đó, NTD sẽ quan sát được cách xử lý và khả năng chịu đựng áp lực công việc của ứng viên.

Ví dụ: Ngay câu hỏi đầu tiên khi phỏng vấn ứng viên, NTD đặt ra câu hỏi như sau:

NTD1: Em nghĩ sao nếu Anh nói Em không đạt trong buổi phỏng vấn ngày hôm nay?

NTD 2: Bạn vừa mới vào phỏng vấn trước Em có đề cập đến việc Em vừa nói xấu NTD ngoài kia?

Để trả lời những câu hỏi dạng này, bạn cần phải thực sự bình tĩnh, xác định máu chốt vấn đề mà NTD đang muốn hướng tới thông qua câu hỏi và đôi khi hãy đột phá sáng tạo trong câu trả lời.

Chúc các bạn thành công.

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Kinh Nghiệm Và Tố Chất - NTD Cần Điều Gì Từ Ứng Viên

Chào các bạn,

Một trong những vấn đề lo lắng và thường xuyên đau đầu của các bạn sinh viên mới ra trường. Đó là thiếu kinh nghiệm thực tế. Có nhiều người cho rằng, nếu không có những trải nghiệm công việc thực tế thì sẽ rất khó xin được việc "tốt" đúng chuyên ngành. Vậy điều đó liệu có hoàn toàn đúng trong thực tế?

Kinh nghiệm hay còn gọi là những trải nghiệm thực tế chính là những thực tiễn mà bạn trải qua trong quá trình làm việc được tích lũy, sàng lọc và trở thành kiến thức của chính bạn. 

Kinh nghiệm giúp chúng ta xử lý các tình huống tương tự xảy ra trong tương lai ở cùng công việc hay nhóm ngành nghề đã từng làm một cách dễ dàng và chính xác.

Kinh nghiệm giúp bạn nhanh chóng bắt kịp và hòa nhập nhanh với công việc. NTD sẽ không phải tốn thời gian dài, chi phí tốn kém để đào tạo lại bạn....

Kinh nghiệm chỉ đến khi bạn có những trải nghiệm thực tế về công việc hoặc bạn phải từng làm công việc đó.

Vậy đối với một bạn sinh viên mới ra trường? Điều gì sẽ giúp bạn có thể cạnh tranh với những ứng cử viên đã có kinh nghiệm làm việc. Sau một thời gian dài tìm hiểu và trải nghiệm thực tế trong việc phỏng vấn rất nhiều bạn sinh viên. Tôi đi đến một kết luận, yếu tố mức độ quan trọng ngang với kinh nghiệm, nó đóng vai trò then chốt trong việc thành hay bại của bạn trong cuộc phỏng vấn. Đó là những TỐ CHẤT của chính bản thân bạn.

Tố chất là những yếu tố bên trong con người bạn, được hiện ra khi bạn nói, hành động hay làm việc thực tế. Nó giúp bạn nổi bật, tỏa sáng trong đám đông bằng phong thái và sự biểu hiện của bạn. 

Tố chất giúp bạn có những kiến nghị, tư duy đột phá trong công việc, quyết định sự thành công trong tương lai của bạn.

Tố chất là những yếu tố nội tại của chính bạn, được phát triển theo thời gian và dần dần trưởng thành từ những trải nghiệm thực tế.

Đây là một số tố chất tiêu biểu:
- Lãnh đạo
- Sự tự tin
- Tầm nhìn xa
- Sự quyết đoán, lạnh lùng
- Thích nghi nhanh....

Để tìm hiểu về những tố chất của mình, bạn có thể dùng mô hình SWOT (Phân tích Điểm mạnh và Điểm yếu; Cơ hội và Nguy cơ) để phân tích chính bản thân bạn:

Strengths:

What do we do well?
What unique resources do we have?
What do others see as our strengths?
Weaknesses:

What can we improve?
Where do we have fewer resources than others?
What are others likely to see as our weaknesses?
Opportunities:

What good opportunities are we open to?
What trends can we take advantage of?
How can we turn our strengths to opportunities?
Threats:

What trends can do us harm?
What are other groups doing?
What threats do our weaknesses expose us to?



















Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp coi trọng tiềm năng phát triển tương lai hơn là những kết quả hiện ra trong trước mắt. Chính vì vậy, hiểu rõ bản thân mình, phát huy những điểm mạnh và hoàn thiện những yếu điểm của bản thân là điều vô cùng quan trọng để giúp bạn thành công.

Còn bây giờ, nếu bạn đang còn hoài nghi về bản thân mình hãy ngay lập tức dùng 1 bảng phân tích SWOT cho bản thân để biết mình đang còn thiếu điều gì để hoàn thiện ngay từ bây giờ nhé.

Chúc các bạn thành công.

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Biến Thời Gian Thực Tập Thành Kinh Nghiệm Thực Tế

Chào các bạn,

Một thực trạng hiện nay của các bạn sinh viên đó là không có kinh nghiệm sau khi ra trường. Đa số các công việc mà các bạn làm trong thời gian còn sinh viên là: Gia sư, phục vụ bàn, nhân viên nhận Order, bán quần áo...Những kinh nghiệm tích lũy thời gian này sẽ rất khó dùng cho việc phỏng vấn xin việc sau khi ra trường.

Vậy làm cách nào để chúng ta có thêm hành trang vững bước khi ra trường tìm kiếm công việc. Theo ý kiến cá nhân Tôi, bạn cần tận dụng thật tốt thời gian thực tập của bạn ở năm cuối khóa. Do năm cuối khóa là khoảng thời gian mà việc học kiến thức chuyên môn sẽ giảm xuống và yêu cầu đòi hỏi về kiến thức thực tế nhiều hơn. Lúc này, bạn bắt đầu tiếp xúc với sự khắc nghiệt của môi trường làm việc thực tế tại các công ty. Chính vì vậy, nếu bạn sử dụng tốt khoảng thời gian này, nó sẽ là bước đệm tốt cho bạn khi ra trường tìm kiếm được một công việc ưng ý.

Trong thời gian làm nhân sự và tham gia phỏng vấn rất nhiều ứng viên là sinh viên. Tôi nhận thấy một điều quan trọng là có một bộ phận không nhỏ sinh viên cho rằng quá trình thực tập không quan trọng, nơi bạn đăng ký thực tập chỉ để lấy dấu hay làm báo cáo thực tập tốt nghiệp hay nếu tham gia thực tập hay làm việc ở công ty nào đó, bạn phải được trả thù lao hay tưởng thưởng bằng 1 khoản thu nhập xứng đáng với đóng góp của bạn. Tuy nhiện sự thật rõ ràng bạn chẳng đóng góp được gì cho tổ chức hay doanh nghiệp cả. Chính những suy nghĩ này đã định hình việc tìm kiếm hay đăng ký nơi thực tập của các bạn. Và rồi kết quả cuối cùng là bạn không học được gì từ quá trình thực tập.

Hiện nay, có rất nhiều công ty, tổ chức có mong muốn nhận thực tập sinh như: FPT, Thế giới di động, CMC... có rất nhiều trang Web việc làm chuyên đăng các thông tin về tuyển dụng thực tập như: internship.edu.vn; vieclam.24h.com.vn... Hay các chương trình tuyển dụng Quản trị viên tập sự tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Pepsi, Unilever, Prudential, Khatoco Khánh Hòa... Chính vì vậy, cơ hội dành đến cho các bạn rất nhiều. 

Trong quá trình thực tập của các bạn, đồng ý rằng có nhiều công ty sẽ không cho bạn tiếp xúc với những thông tin nội bộ hay các Anh/Chị đồng nghiệp cùng phòng sẽ không có thời gian để hướng dẫn các bạn kiến thức thực tế. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể ngăn cản khả năng tìm tòi và tự học hỏi của chính bản thân bạn trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp. Khi bạn đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ của mình vào công việc thì Tôi tin rằng kết quả sẽ hiện ra.

Sau khi bạn đã thay đổi nhận thức về quá trình thực tập và nghiêm túc tìm kiếm một công việc để trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp thì việc bắt tay vào thực hiện như thế nào cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sau này. Tôi đã gặp một số bạn sinh viên nói rằng mình đã hoàn thành tốt giai đoạn thực tập tại công ty, thu về được rất nhiều kiến thức thực tế để đáp ứng công việc đang ứng tuyển... Nhưng Tôi muốn chỉ ra cho các bạn thấy một điều, việc bạn LÀM TỐT khác hoàn toàn với việc bạn làm HIỆU QUẢ.

Ví dụ 1: Trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp X sinh viên A khẳng định kỹ năng giao tiếp của mình đã thay đổi hoàn toàn và nâng cấp lên 1 cấp bậc mới. Bạn nói rằng, bạn đã giao tiếp không còn bị vấp, không còn mất tự tin trước đám đông...Chính vì vậy, bạn hoàn toàn phù hợp tiêu chí đặt ra ở kỹ năng giao tiếp vị trí đào tạo. Sau khi nghe bạn nói, Tôi đánh giá mức độ kỹ năng giao tiếp của bạn đang ở mức độ tốt nhưng chưa hiệu quả. Bởi hiệu quả là thông qua giao tiếp bạn sẽ truyền sự nhiệt huyết, máu lửa cho người khác, thông qua giao tiếp có thể thuyết phục và dẫn dắt người khác đi đến thành công. Đây là điều bạn chưa thể hiện được (Cái hồn trong giao tiếp) dù chỉ 1 chút.

Ví dụ 2: Một bạn sinh viên thực tập vị trí Tuyển dụng ở công ty Y, bạn nói rằng đã nắm bắt được hết quy trình tuyển dụng của công, cách đặt câu hỏi và đánh giá ứng viên, cách đăng tin tuyển dụng... Sau khi nghe bạn trình bày, Tôi kết luận bạn đã nắm bắt tốt về quy trình tuyển dụng nhưng chưa hiệu quả.
- Bạn biết cách đăng tin tuyển dụng nhưng chưa biết tạo ra nội dung nổi bật hay điểm đặc biệt nào đó để thu hút ứng viên.
- Bạn biết cách đặt câu hỏi và đánh giá ứng viên nhưng 10 người bạn phỏng vấn đạt vòng 1 và chuyển vào vòng 2 thì NTD chỉ chọn được 2 người (Đạt 20%)
=> Chính vì vậy, rõ ràng bạn nắm vững về quy trình tuyển dụng nhưng bạn chưa vận hành một cách hiệu quả. Trong khi, điều mà NTD  mong muốn ở ứng viên đó là sự HIỆU QUẢ trong công việc. Chính vì vậy, trong quá trình thực tập bạn cần hiểu và tách bạch được bạn đang làm việc tốt hay đang làm hiệu quả.

Trên đây là những suy nghĩ của bản thân về tầm quan trọng của thời gian thực tập. Hi vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho các bạn sinh viên định hướng công việc trong những năm cuối khóa.


Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Tuyển Dụng - Cuộc Thỏa Thuận Mua Bán giữa NTD Và Ứng Viên

Chào các bạn,

Thời gian vừa qua, Tôi có nhận được rất nhiều câu hỏi, nhiều sự thắc mắc của các bạn khi đi phỏng vấn tuyển dụng ở nhiều công ty. Các câu hỏi đó đại loại như:

 Tại sao Anh/Chị/Em đã có sự chuẩn bị chu đáo cho buổi phỏng vấn nhưng vẫn bị trượt?

Tại sao Mình có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực này nhiều năm và trả lời được tất cả các câu hỏi của NTD vẫn bị trượt?

Tại sao Em ngoại hình tốt, tốt nghiệp Đại học mà lại trượt phỏng vấn ở vị trí bán hàng?
....

Vậy vấn đề ở đây là gì? Phải chăng NTD không đủ trình độ để đánh giá ứng viên đạt, không đạt, xứng đáng hay không xứng đáng.... Hay chính bản thân bạn đã tự đánh mất đi cơ hội của chính mình mà không biết.

Đúc rút từ quá trình làm nhân sự của mình, bản thân Tôi nhận thấy, bản chất của Tuyển dụng thực ra là một cuộc trao đổi giữa người bán và người mua (Nói cách khác là giữa ứng viên và công ty mà đại diện ở đây là P. Nhân sự). NTD đóng vai trò là người mua hàng và bạn (Ứng viên) đóng vai trò là người bán hàng.

Vậy hàng hóa để bán của bạn bao gồm những gì? Đó chính là trình độ học vấn, bằng cấp, kinh nghiệm, khả năng, kỹ năng, trình độ Tiếng Anh... của chính bạn. NTD sẽ đánh giá bạn dựa trên những vốn hàng đó để xem bạn có phù hợp với vị trí mà công ty họ đang cần hay không.

Nguyên tắc trong mua bán dựa trên sự thỏa thuận của hai bên. Chính vì vậy, trong quá trình tuyển dụng, hãy đừng bao giờ tỏ ra bi quan hay thất vọng khi cảm thấy yêu cầu công việc quá cao so với bản thân bạn hay trình độ, bằng cấp, kinh nghiệm của bạn không phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Hãy luôn nhớ rằng, để tư vấn thành công sản phẩm, điều đầu tiên chính bạn phải thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm mà mình đang có và sau đó mới thuyết phục được người mua sử dụng sản phẩm của bạn.

Mục đích của người mua trong cuộc trao đổi chính là tìm được sản phẩm ưng ý nhất. Ví dụ bạn cần 1 loại quả để đắp mặt, cùng bằng giá 5 đồng cho 2 sản phẩm dưa chuột và dưa hấu, Bạn sẽ chọn sản phẩm nào? Tất nhiên do mục đích sử dụng nên bạn chỉ chọn quả dưa chuột trong trường hợp này. Điều này lý giải tại sao trong một số trường hợp khi bạn đi phỏng vấn, mặc dù trình độ, bằng cấp, kinh nghiệm của bạn đều vượt xa so với yêu cầu công việc nhưng bạn vẫn trượt. Đó chính là vì bạn đã không hiểu rõ về nhu cầu, mục đích sử dụng của người mua hàng để rao bán sản phẩm (Trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng...) phù hợp.

Vậy làm cách nào để xác định rõ nhu cầu, mục đích của người mua (NTD) trong trường hợp này để chúng ta thể hiện.

Điều đầu tiên theo Tôi, đó là bạn phải thực sự hiểu rõ về mô tả công việc mà công ty đang cần. Những yêu cầu này, bạn đã đáp ứng được hay chưa. Rồi thông qua các mối quan hệ, tìm hiểu trên mạng... để biết thêm về những nhiệm vụ mà vị trí này có thể đảm nhận trong quá trình làm việc tại công ty. Từ đó, Bạn sẽ hiểu được mục đích khi họ tuyển dụng bạn vào công ty.

Điều thứ hai, bạn cần hiểu rõ NTD  đang yêu cầu 1 con người như thế nào ở vị trí này: Trình độ như thế nào? Cần các kỹ năng gì? Am hiểu về lĩnh vực nào?... Nếu bạn chưa có đầy đủ những yếu tố đó, hãy ngay lập tức bổ sung và học hỏi. Còn nếu bạn có những yếu tố vượt quá yêu cầu này, hãy điều chỉnh lên xuống cho phù hợp với yêu cầu công việc (NTD sẽ không mua một con dao mổ trâu về để cắt tiết gà đâu nhé).

Sau khi bạn đã biết rõ về nhu cầu của NTD thì vấn đề còn lại là quá trình thuyết phục người mua sử dụng sản phẩm của bạn. Tôi sẽ có 1 bài chia sẻ về nghệ thuật giao tiếp trong thời gian tới để giúp các bạn có thể truyền tải rõ ràng những thông điệp về sản phẩm (Kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng...) của bạn đến NTD.

Và điểm lưu ý cuối cùng ở cuộc mua bán và thỏa thuận trong quá trình tuyển dụng này chính là việc người mua bao giờ cũng mong muốn mua 1 sản phẩm với giá thành phải chăng nhưng có nhiều tính năng tốt và sử dụng lâu dài.

Chính vì vậy, bạn cần thể hiện trong cuộc phỏng vấn về những tiềm năng của bạn, những lợi ích mà bạn mang về cho công ty, những nhiệm vụ khác bạn có thể làm được mà không có trong bản mô tả công việc nhưng giúp ích cho bộ phận và phòng ban của bạn... Đồng thời, bạn cần phải có thêm sự ngưỡng mộ (Có thể về các thành tích mà công ty đạt được, lĩnh vực mà công ty đang kinh doanh....) và sự trung thành dành cho tổ chức - Nơi mà bạn đang ứng tuyển.

Tóm lại, để vượt qua được quá trình tuyển dụng của công ty, là người chiến thắng trong cuộc thỏa thuận mua bán giữ ứng viên và NTD. Bạn cần nhớ 4 nguyên tắc sau:

Nguyễn tắc 1: Hãy tin vào sản phẩm mình bán - Tức là tin vào khả năng của chính bạn.

Nguyên tắc 2: Hiểu rõ nhu cầu, mục đích sử dụng của người mua - Hiểu rõ NTD đang cần gì ở bạn

Nguyên tắc 3: Giao tiếp hiệu quả - Thuyết phục NTD thông qua ngôn ngữ.

Nguyên tắc 4: Bạn có tiềm năng phát triển và cam kết gắn bó lâu dài với tổ chức.



Chúc các bạn thành công.


Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Những Cách Gây Ấn Tượng Với Nhà Tuyển Dụng (NTD)

Chào các bạn,

Để quyết định tuyển dụng 1 ứng viên phù hợp với công việc mà công ty đang tuyển dụng, bên cạnh trình độ, bằng cấp, kinh nghiệm và thái độ nghề nghiệp của ứng viên còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố đó, chính là cách bạn gây ấn tượng với NTD bằng những hành động rất nhỏ, bạn đều có thể ghi điểm với họ.

Trong khuôn khổ bài viết này, Tôi không đi sâu vào phân tích nội dung buổi phỏng vấn mà chỉ tập trung chỉ ra một số điểm rất khác biệt để giúp bạn nổi bật và NTD sẽ phân biệt được bạn với hàng trăm, hàng nghìn ứng viên khác.

1. Chuẩn bị 1 đoạn giới thiệu về bản thân 1 cách ấn tượng nhất. Trong buổi phỏng vấn, những câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng mang tích chất xã giao và làm quen với nhau. Đây là thời điểm mà NTD còn chưa hề biết 1 chút gì về bạn, họ như 1 tờ giấy trắng khi tiếp xúc với bạn và những thông tin mà bạn cung cấp sẽ được họ khắc sâu vào trí óc.

2. Nên chuẩn bị 1 bộ hồ sơ xin việc để cung cấp cho NTD trong buổi phỏng vấn nếu họ yêu cầu và 1 cuốn sổ tay nhỏ trong cuộc phỏng vấn. Điều này giúp NTD đánh giá bạn là con người chủ động trong mọi tình huống và rất thiện chí với công việc.

3. Nên đến sớm trước cuộc phỏng vấn tối thiểu 15 phút. Thói quen đúng giờ luôn là một trong những yếu tố tạo ra sự thành công trong công việc. Chính vì vậy, việc đến sớm sẽ giúp bạn thoải mái nhất về mặt tinh thần và còn thể hiện tác phong làm việc chuyên nghiệp của bạn trước NTD.

4. Luôn luôn thể hiện thái độ vui vẻ, hòa đồng với tất cả mọi người mà bạn gặp trong quá trình phỏng vấn từ ứng viên đến những người ở bộ phận khác (Dù không phải là người phỏng vấn bạn) trong công ty.

5. Xuất hiện trước NTD với tác phong chuyên nghiệp nhất. Các bạn có thể tham khảo ở bài viết Bạn Xuất Hiện Trước Nhà Tuyển Dụng Như Thế Nào?

6. Sẵn sàng nhường ghế cho những người đến sau (Cái này dành cho các bạn trai). Điều này thể hiện đức tính sẵn sàng hi sinh lợi ích bản thân của bạn.

7. Sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ hết mình khi có 1 sự việc nào đó cần đến bạn.

Ví dụ: Khi bạn đang ngồi chờ phỏng vấn và có 1 cô gái đang phải bưng 1 thùng nước đến đặt lên cao. Hãy đừng ngần ngại mà xông vào giúp đỡ cô gái đó. Biết đâu đây lại là 1 thử thách của NTD dành cho bạn.

8. Hãy đảm bảo rằng, nụ cười thân thiện và gần gũi luôn hiện hữu trên khuôn mặt của bạn. Chẳng ai lại không muốn được làm việc với một người dễ mến phải không nào.

9. Hãy tận dụng cơ hội "phỏng vấn" lại NTD bằng những quan tâm đến công việc, công ty... hay là những tìm hiểu về chính NTD đang phỏng vấn bạn.

10. Tìm hiểu thật kỹ lưỡng và chính xác về công ty (Lịch sử hình thành và phát triển, lĩnh vực kinh doanh, tầm nhìn....), yêu cầu về công việc. Điều này giúp NTD đánh giá bạn rất nghiêm túc trong việc ứng tuyển này.

11. Sử dụng ngôn ngữ body language phù hợp và làm phong phú hơn trong các câu trả lời phỏng vấn.

12. Tư thế ngồi phỏng vấn phải thực sự nghiêm túc, chuẩn mực. Không nên rung chân, rung đùi, xoay ghế hay tạo ra tiếng động "vô duyên" trong buổi phỏng vấn.

13. Đảm bảo cuộc phỏng vấn giữa bạn và NTD không bị làm phiền bởi tiếng chuông tiếng điện thoại của bạn.

14. Tự tin trong từng câu trả lời bằng cách trả lời ngắn gọn, xúc tích, đi đúng trọng tâm. Giao tiếp ánh mắt thường xuyên với NTD.

15. Sau khi kết thúc buổi phỏng vấn (Nên gửi trong ngày hôm đó), hãy gửi 1 Email bày tỏ sự cảm ơn chân thành dành cho NTD (Bạn nên cố gắng xin được contact của NTD đã phỏng vấn bạn ngày hôm đó).

16. Tên của một người là âm thanh du dương và kỳ diệu mà bất kỳ ai cũng muốn được nhắc thường xuyên. Chính vì vậy, bạn cần phải hỏi, nhớ và xưng hô  tên NTD trong quá trình phỏng vấn. Điều này sẽ giúp 2 bên hiểu và dễ chia sẻ hơn.

Hi vọng rằng điều trên sẽ giúp ích được cho bạn.